Text Box: TIN VUI

 

Text Box: Số 43 CN 16.07.2006

 

 

MỤC LỤC

 

 

 

 

ƠN GỌI CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU.

Cái Đúng Và Cái Đẹp Trong Truyền Giáo.

LÁ THƯ MỤC TỬ CỦA ĐHY GIOAN B. PHẠM MINH MẪN VỀ HIV/AIDS.

ĐỨC THÁNH CHA ĐẾN THĂM TÂY BAN NHA..

Thánh lễ bế mạc đại hội gia đình tại Valencia.

Bài Giảng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong Thánh Lễ Bế Mạc cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế các Gia Ðình tại Valencia, Tây Ban Nha, hôm Chúa Nhật, ngày mùng 9 tháng 7 năm 2006.

GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO..

Bài giảng giáo Lý về Đức Khiêm Nhường.

NƯỚC MẮT VÀ NGHỆ THUẬT SỐNG..

NGƯỜI HIỀN (III)

ĐỌC VÀ NGHIÊN CỨU MỘT BẢN VĂN..

TÌM SỰ GIAO THOA GIỮA CHA MẸ - CON CÁI.

TÍNH TỰ CHỦ VÀ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH..

CÔNG DUNG NGÔN HẠNH..

CỦA LINH MỤC CHÚA KITÔ ( TIẾP THEO)

 

 

 

Text Box: SỐNG LỜI CHÚA
 

 

 

 

 

 


 

Chúa Nhật XV Thường Niên B

(16.07.2006 )

 

ƠN GỌI CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

 

Bài Tin Mừng  :  Mc 6, 7 - 13

 

Qua bài Phúc âm hôm nay, thánh sử Mác-cô đã thuật lại việc Chúa Giêsu qui tụ nhóm 12 tông đồ lại và sai các ông từng đôi một ra đi chữa lành mọi bệnh tật, xua đuổi ma quỉ để mang bình an, mang hạnh phúc đến cho mọi người. Ngài ban cho các ông quyền năng trên ma quỉ và các tà thần, nhưng Ngài cũng căn dặn các ông rằng trên bước đường truyền giáo thì đừng mang gì đi đường trừ cây gậy, cũng không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc và cũng đừng mặc hai áo. Xem ra những đòi hỏi của Chúa thật gắt gao và cương quyết. Thực ra, đây là một kiểu nói ám chỉ một thái độ tín thác tuyệt đối mà người tông đồ của Chúa cần phải có. Bởi vì Ngài muốn cho các ông không được dính bén đến của cải vật chất và những tiện nghi bảo đảm cho cuộc sống hiện taị.Ngài muốn các môn đệ luôn có được tự do nội tâm, chứ không bị thứ áp lực nào chi phối tâm hồn các ông, có thể làm xao nhãng nhiệt tâm của người tông đồ.

 

Là những người Kitô hữu, những người đã được lãnh nhận phép rửa tội, nghĩa là đã được tham dự vào 3 chức vụ, tư tế, tiên tri, và vương đế của Đức Kitô. Mỗi người chúng ta cũng phải luôn ý thức về 3 chức vụ đó, để thi hành trong cuộc sống mình, nhất là với sứ mạng tiên tri. Trong tong huấn “ NGƯỜI KITÔ HỮU GIÁO DÂN”, Đức Giáo Hoàng nói :” Việc tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, Đấng đã dùng chứng tá đời sống và sức mạnh của lời nói để công bố Nước Thiên Chúa Cha, làm cho người giáo dân có đủ tư cách và thúc đẩy họ đón nhận Tin Mừng trong lòng tin, để rồi dùng lời nói, việc làm loan báoTin mừng đó, cương quyết tố cáo cho sự dữ…Ngoài ra,họ còn được kêu gọi làm sáng lên nét mới mẻ và sức mạnh của Tin mừng trong đời sống thường ngày, cũng như diễn tả niềm hy vọng của họ vào vinh quang mai ngày…” (Tông huấn số 26).

 

Lời Chúa cặn dặn các tông đồ hôm xưa, cũng chính là những lời mà Chúa muốn nhắn gởi tới mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta cũng là những người được sai đi vào lòng đời để làm chứng tá cho Tin mừng. Nhưng để cho việc loan báo Tin mừng không bị một trở lực nào ngăn cản, Chúa đòi chúng ta đừng quá bám víu vào những bảo đảm của cuộc sống, như tiền tài, danh vọng, chức quyền, mà trên hết hãy đặt niềm tin vào một mình Chúa mà thôi. Trong đời sống gia đình, chúng ta có nhiều cơ hội để giới thiệu Chúa cho những người chung quanh bằng đời sống khiêm tốn, hiền lành và bác ái. Chúng ta có nhiều dịp để thi hành vai trò chứng nhân cho Chúa bằng cách an ủi những bệnh nhân, xoa dịu những nỗi khổ đau của bản thân họ cũng như gia đình họ. Chúng ta cũng có thể chia sẻ cho những người nghèo khó một chút nhu cầu về vật chất, bằng những nghĩa cử bác ái, yêu thương và kính trọng của chúng ta.

 

Như vậy, Lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy xác tín về ơn gọi và sứ mạng của người Kitô hữu, để trong cuộc sống, chúng ta luôn tri ân cảm tạ Chúa và luôn biết làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống chúng ta.

 

Lm. Giuse Phạm Tất Thắng

 

 

Text Box: CON ĐƯỜNG TU ĐỨC

  

 

 


 

Cái Đúng Và Cái Đẹp Trong Truyền Giáo


Trong lịch sử công giáo có hai hình ảnh linh mục được đề cao.


Hình ảnh thứ nhất phát xuất từ thần học Công đồng Trentô và nền tu đức suy tôn chức thánh của thế kỷ XVII, đó là hình ảnh linh mục, người tế lễ. Hình ảnh này dựa trên lời Đức Kitô đã phán dạy các tông đồ xưa: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).


Hình ảnh thứ hai phát xuất từ thần học Công đồng Vatican II và từ nền tu đức dấn thân hiện nay, đó là hình ảnh linh mục, người truyền giáo. Hình ảnh này dựa trên lời Đức Kitô truyền dạy các tông đồ xưa: “Các con hãy đi giảng cho mọi dân... Hãy dạy cho họ những điều Thầy đã dạy cho các con” (Mt 28,19).


Trong một Giáo Hội coi truyền giáo là bản tính và là ưu tiên số một của mình, thì hình ảnh thứ hai về linh mục đang trở thành một hình ảnh thân thương, trong đó truyền giáo được coi là đặc điểm đáng quan tâm nhất nơi thiên chức linh mục. Cũng từ đó người ta có quyền đánh giá từng linh mục theo nhiệt tình truyền giáo, khả năng truyền giáo, hoạt động truyền giáo, lãnh đạo truyền giáo và kết quả truyền giáo.

Một cái nhìn truyền giáo như thế về Hội thánh nói chung và về linh mục nói riêng sẽ lan sang các lãnh vực khác của tôn giáo, như tu sĩ, giáo dân, phượng tự, giáo lý, thánh đường, sách báo đạo. Tất cả sẽ phải có tính cách truyền giáo. Và vì thế tất cả sẽ phải có khả năng giới thiệu với mọi người cái đúng chân lý Phúc Âm, cái đúng tình yêu Thiên Chúa, cái đúng dung mạo Đức Kitô.


Để những cái đúng ấy được dễ truyền đạt, dễ tiếp thu, dễ được chấp nhận, chúng cần đi đôi với cái đẹp. Cái đẹp của nghệ thuật, cái đẹp của trí thức, cái đẹp của phong cách, cái đẹp của văn hoá, cái đẹp của bản sắc dân tộc, cái đẹp của đạo đức.


Kinh nghiệm cho thấy có những cái đúng khó hiểu, tưởng sẽ khó được chấp nhận, nhưng đã rất được hâm mộ, bởi chúng đã được giới thiệu qua những vẻ đẹp có sức thu hút. Trái lại có những cái đúng dễ hiểu, tưởng sẽ dễ được chấp nhận và thực hiện, nhưng đã bị coi thường và chối bỏ, bởi vì chúng đã được trình bày qua hình thức thiếu những vẻ đẹp cần thiết.


Đối với người thời nay, cái đẹp là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống và trong các tương quan. Hình ảnh đẹp thường có sức thu hút hơn tư tưởng đúng. Chúng ta hã nhìn xem nhà thờ này và thánh lễ hôm nay. Biết bao vẻ đẹp đang nâng tâm hồn chúng ta lên. Từ vẻ đẹp về môi trường, về kiến trúc, về nghi thức, về thánh ca, cho đến vẻ đẹp về tinh thần huynh đệ, thái độ trật tự, phong cách cầu nguyện.

Nếu việc thờ tự không được thực hiện với những vẻ đẹp, và nếu những chân lý Phúc Âm không được giới thiệu với những vẻ đẹp, thì sức thu hút sẽ rất yếu, sức làm chứng sẽ bị suy giảm, sự gặp gỡ với Chúa và với con người sẽ ít được trân trọng.


Thực tế truyền giáo có nhiều vẻ đẹp. Những vẻ đẹp đáng kể nhất ở đây phải là sự hài hoà giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và sáng tạo, giữa nói và làm, giữa các giá trị đạo đức và các giá trị đời, nhất là giữa lý trí mang chân lý Phúc Âm và trái tim giàu lòng bác ái khiêm nhường. Tất cả những vẻ đẹp này đang hỗ trợ cho việc truyền giáo. Chúng là những phương tiện thích hợp để chuyên chở Tin Mừng vào tâm hồn người thời nay.


Thời nay, nhiều khi nhiều nơi việc truyền giáo đã bị cản trở, hoặc đã không sinh kết quả. Có nhiều căn do khác nhau, trong đó có sự thiếu vẻ đẹp. Biết bao trường hợp, nguyên do chính của sự thất bại không phải vì không nói lên đủ cái đúng, nhưng nói đủ cái đúng mà thiếu vẻ đẹp. Chẳng hạn khi cái đúng tôn giáo lại được tuyên xưng, loan truyền với thái độ tự phụ, hẹp hòi, độc tôn, độc đoán, phô trương quyền lực, chia rẽ cộng đoàn. Tức là thiếu vẻ đẹp đạo đức.


Cái đúng tôn giáo đi đôi với cái đẹp, nhất là cái đẹp đạo đức sẽ tạo nên được những hình ảnh hấp dẫn, những bầu khí lôi cuốn, những môi trường thu hút, để dẫn con người vào Nước Trời, đồng thời cũng để giúp con người sống tốt chính đời sống công dân của mình trong một Quê Hương rất cần những cái đúng và những cái đẹp.


Với những nhận thức trên đây, chúng ta cảm tạ Chúa vì những cái đúng và những cái đẹp trong giáo xứ chúng ta, trong Hội Thánh chúng ta, trong Quê Hương chúng ta. Chúng ta cầu nguyện cho đường hướng truyền giáo của chúng ta được luôn đúng mà đẹp.

 

+ ĐGM. GB Bùi Tuần

 

 

Text Box: HIỆP THÔNG GIÁO HỘI 
 

 


 

Lễ Thánh Phêrô – Phaolô, 29. 6.2006

 

LÁ THƯ MỤC TỬ

 

Kính gởi : Anh em linh mục

Anh chị em tu sĩ giáo dân thuộc giáo phận thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt là những anh chị em đang sống với  HIV/AIDS.

 

1. Tôi viết thư này để chia sẻ với anh chị em mối quan tâm của tôi về tình hình dịch HIV /AIDS đang lan tràn trong thành phố cũng như trên đất nước chúng ta. Trong những năm qua, đã có nhiêu nỗ lực từ những ban nghành  hữu quan nhằm ngăn chặn đại dịch  HIV, nhưng HIV vẫn tiếp tục lây lan. Thống kế gần đây nhất của cơ quan y tế cho biết có hơn 30 ngàn người nhiễm HIV trong thành phố chúng ta, và con số người cần được chăm sóc  ngày càng tăng nhanh. Ước tính cứ khoảng 60 hộ gia đình ở Việt Nam thì có một hộ có một người đang sống với HIV.Trong tình hình đó, cộng đồng Công giáo không thể không quan tâm , bởi lẽ “ vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng  của con người ngáy nay, nhất là cuả những người nghèo và đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người,  mà lai không gieo anh hưởng trong lòng họ” (Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giớ ngày nay, số 1). Vì thế, chúng ta có trách nhiệm làm mọi cách để ngăn chặn đại dịch, và góp phần lành mạnh hóa đời sống gia đình và cộng đồng dân tộc.

 

Trong Năm Sống Lời Chúa này, Giáo Hội mời gọi chúng ta giúp nhau thi hành Lời Chúa dạy, cùng nhau chiêm ngắm Chúa Giêsu và bắt chước gương lành của Ngài. Trong cuộc đời rao giảng của Chúa, Ngài đã yêu thương các bệnh nhân cách đặc biệt và luôn tìm cách chữa lành họ, nâng đỡ họ, và đưa họ trở về hoà nhập với cộng đồng xã hội. Ngài chữa lành người phong cùi và dạy anh ta trở về trình với thượng tế để được tái hoà nhập vào cộng đoàn phụng vụ cũng như cộng đồng xã hội. Đối với người đàn bà phạm tội ngoại tình và đáng bị ném đá, không những Chúa Giêsu đã không kết án chị mà còn phục hồi nhân phẩm bằng cách khuyên chị “ hãy trở về nhà và đừng phạm tội nữa”.

 

Như thế, Chúa Giêsu bao dung đón nhận tội nhân và người bệnh, chữa lành họ cả thể xác lẫn tinh thần, và giúp họ hoà nhập vào đời sống cộng đồng. Đó cũng là thái độ mà Chúa muốn chúng ta phải có đối với những anh chị em sống với HIV/ AIDS hôm nay.

 

2. Noi gương Chúa Giêsu chúng ta không kết án, không bỏ rơi, song cần tìm cách giúp đỡ những anh chị em sống với HIV/ AIDS, được tiếp tục sống sống và sinh hoạt bình thường trong giáo xứ, cộng đồng và gia đình. Khoa học đã chứng minh cho chúng ta thấy, sống chung nhà, dùng chung mâm cơm, uống chung ly nước, không có nguy cơ lây HIV/ AIDS. Người nhiễm HIV có thể sống bình thường khoẻ mạnh trong nhiều năm trước khi chuyển sang AIDS, họ cần có một chỗ dựa tinh thần, một việc làm ổn định, cần được yêu thương và chấp nhận họ. Mặt khác, trong cơn đau bệnh, hơn ai hết, họ cần được ở gần bên người thân và gia đình, họ cần được tiếp tục lãnh nhận các bí tích, và được hòa nhập vào các sinh hoạt của giáo xứ như bao người khác. Vì thế, chúng ta không được phân biệt đối xử với họ. Các cộng đồng giáo xứ cần có những những sinh hoạt và các buổi sinh hoạt nhằm nâng cao nhận thức về HIV/ AIDS, góp phần ngăn chặn dịch bệnh và vượt qua thái độ phân biệt đối xử trong cộng đoàn.

 

 

3. Với những anh chị em đang sống chung với HIV/AIDS, anh chị em hãy nhớ rằng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương anh chị em, Giáo Hội luôn giang tay đón nhận anh chị em với tất cả sự trân trọng và quý mến. Chính Chúa Giêsu vẫn luôn mời gọi anh chị em đến với Ngài trong lúc gặp gian truân đau khổ : “ Hãy đến với Ta hỡi những ai gặp khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” Sự thiếu can đảm và tuyệt vọng khi đối diện với căn bệnh thường dẫn tới khuynh hướng tự cô lập mình, và đổ lỗi cho người khác, hoặc nuôi ý tưởng trả thù, hận đời…Thay cho những thái độ tiêu cực đó, anh chị em hãy can đảm chấp nhận thực tại của căn bệnh, hãy sống một lối sống tích cực hãy sống có trách nhiệm và mở lòng ra để người khác có thể giúp ta sống tốt hơn, đồng thời giúp người khác hiểu đúng về căn bệnh và đồng cảm với bệnh nhân. Hãy can đảm lên, đừng thất vọng, anh chị em không cô độc vì Giáo Hội luôn đồng hành với anh chị em. Hãy giữ vững niềm trông cậy vào Chúa là Đấng hằng yêu thương và nâng đỡ chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Đây là cơ hội để anh chị em đến gần Chúa Kitô hơn vì chính Ngài đã từng chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc tất cả chúng ta. Trong lúc gặp đau khổ và khó khăn, hãy nhớ Lời Chúa  phán :” Đừng sợ, vì Ta đã chuộc con về, đã gọi con bằng chính tên của con : con là của riêng Ta ! Con có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng con.. . Vì trước mắt Ta, con thật quý giá, luôn được Ta trân trọng  và mến thương” ( Is 43, 1-4)

 

 

4. Thưa anh chị em, Giáo Hội lãnh nhận sứ mạng làm chứng và loan báo cho mọi người tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa Cha được thể hiện qua con yêu quý của Ngài là Chúa Kitô. Để tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô trên trần gian, chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến những ai đang gặp đau khổ: về thể xác cũng như tinh thần; trong số đó, những người sống với HIV/ AIDS là những người cần được yêu thương và chăm sóc nhiều nhất. Với ơn Chúa, chúng ta có thể đồng hành với các bà mẹ, những goá phụ, những bạn trẻ, những trẻ mồ côi đang gần như tuyệt vọng vì căn bệnh thế kỷ này. Tình hình hiện tại là lời mời gọi chúng ta hợp lực xây dựng một cộng đồng nhân loại mới chan chưa yêu thương như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở nhiều lần. Lúc bấy giờ, AIDS sẽ không còn bị coi là sự nguyền rủa của Thiên Chúa, nhưng sẽ là cơ hội để tất chúng ta quay trở lại, đến gần hơn với Thiên Chúa tình yêu, và để tìm được niềm vui trọn hảo trong Ngài.

 

 

Tôi xin chân thành cám ơn các linh mục, anh chị em tu sĩ giáo dân trong nhiều năm qua, đã đi tiên phong trong việc loan báo một Thiên Chúa yêu thương qua việc anh chị em tận tuỵ phục vụ bệnh nhân HIV/ AIDS bằng nhiều cách và qua nhiều hình thức khác nhau. Hành động của anh chị em chính là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với chúng ta trong sứ vụ yêu thương và phục vụ.

 

Tôi xin giới thiệu với tất cả mọi người tập sách nhỏ “ Chứng từ yêu thương và phục vụ”. Tập sách này không thể nói hết những đóng góp đôi khi rất thầm kín của anh chị em khắp nơi trong giáo phận, nhưng là một bằng chứng cho mọi người biết đến một lối sống mà tất cả chúng ta đều được mời gọi hướng tới : Sống Yêu Thương và Phục Vụ.

 

Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, Mẹ tất cả những ai đang đau khổ nguyện xin Thiên Chùa thương soi dẫn và tuôn đổ tràn đầy ơn lành của Ngài xuống trên tất cả anh chị em.

 

 

GIOAN B.PHẠM MINH MẪN

HỒNG Y TỔNG GIÁM MỤC

 

ĐỨC THÁNH CHA ĐẾN THĂM TÂY BAN NHA

VALENCIA. ĐTC Biển Đức 16 đã đến thành phố Valencia, Tây Ban Nha, đã viếng thăm trong vòng hơn 24 tiếng đồng hồ, nhân dịp Đại hội kỳ 5 cách Công Giáo thế giới, tiến hành tại đây từ ngày 1 đến 9-7-2006, với chủ đề: “sự thông truyền đức tin trong các gia đình”.

Đây là chuyến công du thứ 3 của ĐTC Biển Đức tại nước ngoài, sau cuộc viếng thăm tại Koeln bên Đức hồi tháng 8 năm ngoái và tại Ba Lan hồi cuối tháng 5 năm nay.

Khi máy bay chở ĐTC tiến vào không phận Tây Ban Nha, hai chiếc phản lực cơ F-16 và F-18 của không lực Tây Ban Nha đã bay lên hộ tống trước khi máy bay đáp xuống phi trường Manises của thành Valencia. Tại đây, Quốc vương Juan Carlos, hoàng hậu Sofia, cùng với thủ tướng chính phủ và giáo quyền và hàng ngàn tín hữu đã chờ sẵn tại đây để dành cho ngài một sự tiếp đón nồng nhiệt, dưới bầu trời nóng bức của mùa hè.

Trong diễn văn, Vua Carlos đã cám ơn ĐTC vì sự hiện diện của ngài trên đất Tây ban nha và những lời chia buồn, an ủi nhân vụ tại nạn xe điện ngầm ở Valencia hôm 3-7-2006 làm cho 42 người thiệt mạng.

Về phần ĐTC, trong lời đáp từ, ngài nhấn mạnh mục đích cuộc viếng thăm của ngài để tham dự Đại hội kỳ 5 các gia đình thế giới, với chủ đề ”thông truyền đức tin trong gia đình”: ”Ước muốn của tôi là trình bày vai trò trung tâm của gia đình, dựa trên hôn nhân, đối với Giáo Hội và xã hội. Gia đình là một định chế không thể thay thế được, theo kế hoạch của Thiên Chúa và Giáo Hội không thể từ bỏ không rao giảng và thăng tiến giá trị cơ bản của gia đình, để gia đình luôn được sống trong tinh thần trách nhiệm và vui tươi.”

Câu nói của ĐTC có vẻ không có gì khác lạ, nhưng vang dội mạnh mẽ tại Tây Ban Nha, nơi mà chính phủ thuộc đảng xã hội, liên kết với đảng cộng sản, đã ban hành luật công nhận hôn nhân đồng phái, với quyền được nhận con nuôi, cách đây đúng 1 năm.

Sau nghi thức tiếp đón tại Phi trường, ĐTC dùng xe bọc kính để về Nhà thờ chính tòa Valencia cách đó 10 cây số. Dọc đường ngài đã dừng lại tại trạm xe điện ngầm Jesus, nơi đã xảy ra tai nạn, để cầu nguyện cho các nạn nhân, trước sự hiện diện của thái tử Filipe, phu nhân và đông đảo các tín hữu.

Trong cuộc viếng thăm nhà thờ chính tòa, ĐTC đã gặp 100 GM Tây Ban Nha tại Nhà Nguyện Chén Thánh, và trao cho các vị một lá thư, khích lệ các GM tiếp tục hăng say bảo vệ thăng tiến gia đình trong một xã hội bị tục hóa cao độ, đồng thời nêu gương cho các tín hữu về sự hiệp thông huynh đệ với nhau.

Tại quảng trường bên ngoài thánh đường, ĐTC đã gặp 3 ngàn người gồm các chủng sinh và thân nhân của các thầy, cùng với nhiều tín hữu khác. Ngài đề cao tầm quan trọng của bầu không khí hòa hợp và yêu thương trong gia đình, giúp người trẻ lắng nghe và đáp lại tiếng gọi của Chúa.

ĐTC cũng nói rằng: ”Các thầy hãy sống khẩn trương những năm chuẩn bị tại chủng viện, với sự trợ giúp và phân định của các vị đào tạo, và với tâm tình ngoan ngãn, tín thác hoàn toàn của các Tông Đồ là những vị đã từng mau mắn theo Chúa Giêsu. Các thầy hãy học từ nơi Mẹ Maria cách thức đón nhận ơn gọi của Chúa không chút dè dặt, với lòng quảng đại vui tươi.”

GẶP GỠ CÁC GIA ĐÌNH

Hoạt động chính của ĐTC trong ngày đầu tiên tại Valencia là cuộc gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới vào lúc 9 giờ tối tại Thành phố Nghệ thuật và Khoa học, một khu vực ở Valencia có thể chứa được hơn 1 triệu người.

Mở đầu cuộc gặp gỡ, đại diện phái đoàn các nước đã cầm cờ quốc gia của mình tiến lên lễ đào, tiếp theo đó là nghi thức dâng hoa kính Đức Mẹ những người bị bỏ rơi, bổn mạng dân thành Valencia, và bức ảnh Thánh Gia vẽ trên gỗ, rồi ĐHY Lopez Trujillo, người Colombia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC, trước khi cộng đoàn nghe đọc hai bài Sách Thánh và chứng từ của một số gia đình.

Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đặc biệt đề cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục và thông truyền đức tin cho con cái:

”Gia đình là môi trường ưu tiên đặc biệt trong đó mỗi người học cách trao ban và đón nhận tình thương. Vì thế, Giáo Hội liên tục bày tỏ mối quan tâm mục tử đối với môi trường cơ bản này của con người.”

”Gia đình là một định chế ở giữa cá nhân và xã hội và không gì có thể hoàn toàn thay thế gia đình. Chính gia đình dựa trên một quan hệ sâu xa liên chủ thể, giữa vợ chồng, được nâng đỡ bằng tình thương và sự cảm thông với nhau. Để được thế, gia đình nhận được ơn phù trợ dồi dào của Thiên Chúa trong bí tích hôn phối, một bí tích bao hàm ơn gọi nên thánh thực sự. Ước gì các con cái thấy được những giờ phút hòa hợp và yêu thương của cha mẹ, nhiều hơn là những lúc bất hòa hoặc xa cách, vì tình thương giữa cha mẹ mang lại cho con cái một sự an tâm rất lớn và dạy họ về vẻ đẹp của tình yêu trung thành và lâu bền.”

”Gia đình là một thiện ích cần thiết cho các dân tộc, một nền tảng không thể thiếu được đối với xã hội và là một kho báu của các đôi vợ chồng trong suốt cuộc đời. Đó là một thiện ích không thể thay thế được đối với con cái, con cái phải là kết quả của tình thương, sự hiến thân trọn vẹn và quảng đại của cha mẹ. Công bố sự thật trọn vẹn về gia đình, dựa trên hôn nhân, như một Giáo Hội tại gia và là cung thánh sự sống, đó chính là trách nhiệm lớn lao của tất cả mọi người.”

ĐTC đề cao vai trò của cộng đồng giáo hội, xứ đạo và các hội đoàn Công Giáo trong việc giúp các gia đình vượt thắng khó khăn và chu toàn trách vụ thông truyền đức tin cho con cái: ”Thông truyền đức tin cho con cái, với sự trợ giúp của những người khác và của các tổ chức như giáo xứ, trường học, các hội đoàn Công Giáo, là trách nhiệm mà các cha mẹ không thể quên lãng, thờ ơ hoặc hoàn toàn ủy thác cho người khác. ”Gia đình Kitô được gọi là Giáo Hội tại gia, vì biểu lộ và thực hiện bản chất hiệp thông và gia đình của Giáo Hội như một gia đình của Thiên Chúa. Mỗi phần tử, theo phận vụ của mình, thi hành chức LM chung đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội, góp phần biến gia đình thành một cộng đồng ơn phúc và cầu nguyện, một trường dạy các nhân đức nhân bản và Kitô, là nơi đầu tiên rao truyền đức tin cho con cái” (SGL, Toát Yếu 350)

Thánh lễ bế mạc đại hội gia đình tại Valencia

Từ thứ bảy vừa qua, ĐTC đã đáp máy bay sang Valencia Tây ban nha để chủ toạ Đại hội các gia đình lần thứ V. Cao điểm của cuộc gặp gỡ là buổi canh thức tại khu “thành phố Nghệ thuật và Khoa học” vào buổi tối thứ bảy, với sự tham dự của non một triệu người. Sau đó nhiều gia đình đã ngủ lại tại chỗ để tham dự thánh lễ cử hành sáng chúa nhựt lúc 9 giờ 15. Cùng đồng tế với đức Bênêđictô XVI có 50 hồng y, 450 giám mục và 300 linh mục, và đặc biệt chén thánh được sử dụng chính là chén mà Chúa Giêsu đã sử dụng tại nhà tiệc ly, mà theo truyền thống được thánh Phêrô đem qua Rôma, và được giao cho thánh Lorenzo phó tế đưa cất ở Huesca (Tây ban nha) trong thời bắt đạo, và được giữ tại nhà thờ chánh toà Valencia từ năm 1437.

Trong hàng ghế danh dự có hoàng gia Tây-ban-nha, hai vị tổng trưởng bộ ngoại giao và tư pháp đại diện cho chính phủ, thống đốc miền Valencia, thị trưởng thành phố. Các lời nguyện được lấy từ lễ kính thánh gia, còn các bài đọc Sách thánh đã được chọn lựa theo đề tài của Đại hội “Truyền thụ đức tin trong gia đình”: bài đọc thứ nhất trích từ sách Esther chương 14, trong đó có câu tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa trong chi tộc cha ông, con được nghe kể lại rằng Chúa đã tuyển chọn Israel giữa muôn ngàn dân tộc”. Bài đọc thứ hai lấy ở thư thứ hai của thánh Phaolô gửi Timotê, chương 1, câu 1-8: thánh tông đồ tạ ơn Thiên Chúa, Đấng mà người phụng thờ với lương tâm trong trắng theo gót tổ tiên, và nhắn nhủ ngưòi môn đệ hãy nhớ lại đức tin của bà ngoại Loide và bà mẹ Eunike. Bài đọc Tin mừng lấy từ thánh Gioan chương 15, câu 9-12.

Trong bài giảng, sau những lời chào mừng thường lệ, ĐTC đã dựa theo các bài đọc để diễn giảng về vai trò của gia đình trong việc truyền thụ đức tin.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã tuyên bố đại hội gia đình lần tới sẽ được tổ chức tại thành phố Mêxicô (nước Mekhicô) năm 2009. Ngài đã đọc kinh Truyền tin bằng tiếng latinh và ban phép lành bằng tiếng Tây ban nha.

Theo Radio Vatican

 

 Bài Giảng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong Thánh Lễ Bế Mạc cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế các Gia Ðình tại Valencia, Tây Ban Nha, hôm Chúa Nhật, ngày mùng 9 tháng 7 năm 2006.

 Anh chị em thân mến,

Trong Thánh Lễ mà tôi vui mừng chủ sự đây, cùng với nhiều chư huynh trong hàng giám mục, và với đông anh em linh mục, tôi cảm tạ Chúa, thay cho tất cả mọi gia đình đáng mến đang quy tụ nơi đây kết thành cộng đoàn đầy hân hoan, và cho biết bao gia đình khác tại những nơi xa xôi cùng theo dõi buổi cử hành này, qua các phương tiện truyền thanh và truyền hình. Tôi xin chào tất cả mọi người và nói lên lòng mộ mến của tôi qua cái hôn bình an.

Những chứng tá của Ester và của Phaolô mà chúng ta đã nghe qua trước hết nơi các bài đọc thánh lễ, cho thấy như thế nào gia đình được mời gọi cộng tác trong việc thông truyền đức tin. Ester tuyên xưng như sau: "Lạy Chúa, thân phụ tôi đã kể cho tôi biết rằng Ngài đã tuyển chọn dân Israel từ muôn dân nước" (sách Ester 4,5). Thánh Phaolô theo truyền thống của cha ông ngài là người do thái mà lắng nghe Thiên Chúa, với một lương tâm trong sạch. Thánh nhân khen ngợi đức tin chân thành của Timotêô và nhắc lại cho Timotêô nhớ rằng "đức tin trước hết nơi bà ngoại Loide, rồi nơi người mẹ Eunice, và giờ đây, nơi chính bản thân Timotêô; cha tin chắc con có đức tin này." (2 Tim 1,5). Trong những chứng từ kinh thánh vừa trích trên, gia đình không phải chỉ gồm có cha mẹ và con cái, nhưng còn gồm có ông bà và tổ tiên. Gia đình như thế cho thấy như là một cộng đoàn những thế hệ và là một bảo đảm cho phần gia tài những truyền thống.

Không ai có thể tự ban cho mình sự hiện hữu, cũng không tự mình có được những hiểu biết căn bản về sự sống. Tất cả chúng ta đều đã lãnh nhận từ kẻ khác sự sống và những sự thật căn bản về sự sống, và chúng ta được gọi đạt đến sự trọn lành trong tương quan và trong hiệp thông tình thương với kẻ khác. Ðược xây dựng trong hôn nhân không thể tách rời giữa người nam và người nữ, gia đình nói lên chiều kích tương giao, con thảo và cộng đoàn; gia đình là môi trường nơi con người có thể sinh ra đúng với phẩm vị mình, rồi lớn lên và phát triển một cách toàn diện.

Khi một em bé sinh ra, thì qua tương quan với cha mẹ, em bé này là thành phần của truyền thống gia đình có gốc rễ xa xưa hơn. Với hồng ân sự sống, em bé lãnh nhận trọn cả phần gia tài những kinh nghiệm sống. Quy chiếu về điều này, những bậc làm cha mẹ có quyền và bổn phận không thể mất đi được để lưu truyền phần gia tài đó cho con cái: đó là công việc huấn luyện con cái để giúp con cái khám phá căn cước riêng của mình; đó là dẫn đưa con cái vào trong đời sống xã hội; đó là huấn luyện con cái biết thực thi một cách có trách nhiệm sự tự do tinh thần và thực thi khả năng yêu thương, nhờ qua kinh nghiệm được yêu thương, nhất là trong gặp gỡ với Thiên Chúa. Con cái lớn lên và trưởng thành trên bình diện nhân bản, trong mức độ con cái tin tưởng lãnh nhận phần gia tài và nền giáo dục mà con cái từ từ lãnh nhận. Bằng cách này, con cái có thể tạo ra một tổng hợp riêng cho mình từ những gì đã lãnh nhận được và những gì học được; và đây là tổng hợp mà mỗi người và mỗi thế hệ được mời gọi thực hiện.

Nơi nguồn gốc của mỗi người, và do đó, nơi mọi tình phụ tử và tình mẫu tử, có sự hiện diện của Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hoá. Vì thế, đôi bạn phải đón nhận em bé vừa được sinh ra không những như là con của cha mẹ, nhưng còn như là người con của Thiên Chúa, Ðấng yêu thương em bé vừa được sinh ra đó như chính em là, và kêu gọi em sống làm con cái Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi hành động truyền sinh, mọi tình phụ tử và mẫu tử, mọi gia đình có nguyên lý của mình nơi Thiên Chúa, Ðấng là Cha, Con và Thánh Thần.

Qua việc nhớ lại tổ tiên và dân tộc của mình, thân phụ của Ester đã thông truyền lại cho Ester một ký ức về một Vì Thiên Chúa, mà từ Ngài tất cả mọi người đều phát xuất và được mời gọi đáp lời mời gọi của Ngài. Ðây là ký ức về một Vị Thiên Chúa là Cha, là Ðấng đã tuyển chọn cho mình một Dân riêng, và là Ðấng tác động trong lịch sử để cứu rỗi chúng ta. Việc nhớ đến Vị Thiên Chúa là Cha như thế soi sáng cho căn cước sâu xa nhất của con người: chúng ta từ đâu đến, chúng ta là ai và phẩm giá chúng ta là cao cả như thế nào. Chắc rằng chúng ta đến trong thế gian từ cha mẹ, và chúng ta là con cái của các ngài; nhưng chúng ta cũng đến từ Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài và đã kêu gọi chúng ta trở thành những con cái Ngài. Vì thế, nơi nguồn gốc của mỗi một người, không phải là sự ngẫu nhiên hay định mệnh, nhưng là một dự án của tình thương Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa thật và là con người trọn vẹn, chính Người đã mạc khải điều này cho chúng ta. Chúa Giêsu Kitô biết rõ Người từ đâu đến và biết rõ tất cả chúng ta đây từ đâu đến: đó là đến từ tình thương của Thiên Chúa, là Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta.

Quả thật, Ðức Tin không phải chỉ thuần tuý là gia tài văn hoá, nhưng là một tác động liên tục của ân sủng Thiên Chúa, Ðấng kêu gọi, và cũng là hành động của tự do con người chấp nhận gắn bó hoặc không gắn bó với ơn gọi đó. Cho dù không ai có thể đáp lời thay cho kẻ khác, nhưng những bậc làm cha mẹ kitô được mời gọi làm chứng một cách đáng tin cho đức tin và cho niềm hy vọng kitô của họ. Những bậc làm cha mẹ phải hành động làm sao cho lời mời gọi của Thiên Chúa và Tin Mừng của Chúa Kitô có thể đến được với con cái, một cách rõ ràng nhất và đích thật.

Với thời gian, hồng ân đức tin này của Thiên Chúa mà những bậc làm cha mẹ đã góp phần soi sáng cho con cái lúc còn thơ bé, sẽ được vun trồng một cách khôn ngoan và dịu dàng, vừa làm lớn lên trong con cái còn thơ trẻ một khả năng phân biệt. Như thế, với chứng tá liên lỉ về tình yêu hôn nhân của cha mẹ, một tình yêu được sống và được thấm nhuần trong đức tin, và với sự nâng đỡ đầy thân tình của cộng đoàn kitô, thì sẽ khơi dậy nơi con cái thái độ đích thân đến với hồng ân đức tin, để rồi qua thái độ này con cái khám phá được ý nghĩa sâu xa của chính cuộc sống mình và như thế con cái cảm thấy mình trào dâng tâm tình biết ơn.

Gia đình kitô thông truyền đức tin khi những bậc làm cha mẹ dạy cho con cái biết cầu nguyện và chính cha mẹ cầu nguyện cho con cái (x, Tông huấn về Gia Ðình, soó 60); gia đình thông truyền đức tin khi cha mẹ đến với các bí tích và hướng dẫn con cái vào trong sinh họat của Giáo Hội; gia đình thông truyền đức tin khi tất cả mọi thành phần gia đình quy tựu lại để đọc Kinh Thánh, vừa chiếu sáng đời sống gia đình bằng ánh sáng đức tin vừa chúc tụng Thiên Chúa là Cha.

Trong nền văn hoá hiện nay, người ta thường đề cao sự tự do cá nhân, một sự tự do được hiểu như là sự độc lập chủ quan, dường như thể chính đương sự tự quyết và tự đủ cho chính mình, không màng chi đến mối tương quan của mình với kẻ khác cũng như không kể gì đến trách nhiệm của mình đối với kẻ khác. Người ta cố gắng tổ chức cuộc sống xã hội chỉ từ những ước muốn chủ quan và hay thay đổi mà thôi, không một chút quy chiếu nào về sự thật khách quan hiển nhiên, như sự thật về phẩm giá của mọi người và về những bổn phận và quyền lợi không thể phai nhoà mà mọi nhóm xã hội cần phải dấn thân phục vụ cho.

Giáo Hội không ngừng nhắc lại rằng sự tự do thật của con người đến từ việc con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, sự giáo dục kitô là sự giáo dục để đạt đến sự tự do và vì tự do. "Chúng ta thi hành điều tốt không phải như những người nô lệ không có tự do để làm khác đi, nhưng chúng ta làm điều tốt bởi vì chúng ta đích thân mang lấy trách nhiệm về thế giới; bởi vì chúng ta yêu mến sự thật và điều thiện, bởi vì chúng ta yêu mến Thiên Chúa và do đó cũng yêu thương những tạo vật của Ngài. Sự thật vừa nói trên là sự thật đích thực, mà Chúa Thánh Thần muốn hướng dẫn chúng ta đạt đến." (Bài giảng lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, báo quan sát viên Roma, ấn bản bằng tiếng Tây Ban Nha, số phát hàng ngày 9 tháng 6 năm 2006, trg 6).

Chúa Giêsu Kitô là con người hoàn hảo, là mẫu gương cho sự tự do đầy tình con thảo; Chúa dạy chúng ta biết thông truyền cho kẻ khác chính tình yêu của Người: "Như Cha Thầy đã yêu thương Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến chúng con như thế, chúng con hãy ở trong tình yêu Thầy." (Gn 15,9) Về điểm này, Công Ðồng Vaticanô II dạy rằng "những đôi bạn và cha mẹ kitô, theo con đường sống của mình và cho đến suốt đời, cần phải nâng đỡ nhau trong ân sủng nhờ qua một tình yêu trung thành và cần phải giáo huấn trong giáo lý kitô và trong các nhân đức phúc âm những con cái, được lãnh nhận với tình yêu đến từ Thiên Chúa. Như thế những bậc làm cha mẹ cống hiến cho tất cả mẫu gương tình yêu không mệt mỏi và quảng đại; họ xây dựng một sự hiệp thông trong tình bác ái; họ là những người làm chứng cho và công tác với sự phong phú của Mẹ Giáo Hội như là dấu chỉ và là sự tham dự vào tình yêu thương, tình yêu mà Chúa Kitô đã yêu thương vị Hôn Thê của mình và đã trao ban chính mình cho vị Hôn Thê này" (Lumen gentium, 41).

Tâm Tình mến thương của cha mẹ đã đón nhận chúng ta và đồng hành với chúng ta trong những buớc đầu tiên vào đời; tình mến thương đó là như dấu chỉ và là sự "kéo dài bí tích" của tình yêu Thiên Chúa, mà từ đó chúng ta đến trong thế gian. Cảm nghiệm mình được chấp nhận và được yêu thương bởi Thiên Chúa và bởi cha me, (cảm nghiệm này) là nền tảng vững chắc luôn cổ võ cho sự tăng trưởng và phát triển đích thực của con người và là nền tảng giúp chúng ta trưởng thành trong khi tiến đến sự thật và tình thương, cũng như giúp ta bước ra khỏi chính mình để bước vào trong sự hiệp thông với kẻ khác và với Thiên Chúa.

Ðể tiến tới trên con đường trưởng thành nhân bản, Giáo Hội dạy chúng ta hãy tôn trọng và cổ võ cho thực tại kỳ diệu của hôn nhân không thể phân rẽ giữa một nguời nam và một người nữ; và hôn nhân này là nguồn gốc của gia đình. Vì thế, việc nhìn nhận và trợ giúp cho cơ chế gia đình là một trong những việc phục vụ quan trọng nhất mà con người ngày nay có thể làm, để phục vụ cho công ích và cho sự phát triển đích thật của con người và xã hội, và như thế là bảo đảm tốt nhất cho phẩm giá, cho sự bằng nhau giữa mọi người và cho sự tự do thật của con người.

Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò tích cực của những hiệp hội gia đình trong giáo hội, để phục vụ cho hôn nhân và gia đình. Tôi "muốn mời gọi tất cả mọi người kitô hãy cộng tác, cách thân tình và can đảm, với tất cả mọi người thiện chí, đang thực thi trách nhiệm của họ nhắm phục vụ gia đình" (familiaris consortio, số 86), ngõ hầu nhờ việc liên kết các sức mạnh và với những sáng kiến đa dạng hợp pháp, tất cả mọi người đều góp phần vào việc cổ võ cho điều thiện hảo đích thật của gia đình trong xã hội hiện nay.

Chúng ta hãy trở lại với bài đọc thứ nhất của Thánh Lễ hôm nay, được trích từ sách Ester. Giáo hội được quy tụ trong việc cầu nguyện, đã nhìn thấy nơi vị hoàng hậu khiêm tốn này đang khẩn cầu với hết sức mình cho dân tộc bà đang phải đau khổ, (nhìn hoàng hậu khiêm tốn này) như là hình ảnh loan báo trước về Mẹ Maria, mà Con Mẹ đã trao cho tất cả chúng ta như là Mẹ của chúng ta; và như là hình ảnh loan báo trước của người Mẹ hết lòng yêu thương bảo vệ đại gia đình của Thiên Chúa đang hành hương trên trần gian này. Mẹ Maria là hình ảnh nêu gương cho tất cả mọi bà mẹ, cho sứ mạng cao cả của người mẹ như là kẻ gìn giữ sự sống, cho sứ mạng giảng dạy nghệ thuật sống, nghệ thuật yêu thương.

Như thế, gia đình kitô - cha mẹ và con cái - được mời gọi thực hiện những mục tiêu đã nói trên, không phải như điều gì bị áp đặt từ bên ngoài, nhưng như là một hồng ân của ân sủng bí tích hôn nhân, được đổ tràn xuống trong tâm hồn đôi bạn. Nếu đôi bạn sống cởi mở đón nhận Chúa Thánh Thần và khẩn xin Ngài trợ giúp, thì Chúa Thánh Thần không ngừng thông truyền cho họ tình yêu Thiên Chúa Cha, một tình yêu được biểu lộ và nhập thể trong Chúa Kitô. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho đôi bạn không bị lạc mất nguồn mạch và chiều kích của tình yêu và của việc họ trao hiến cho nhau; sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho đôi bạn biết cộng tác với Ngài để phục hưng và nhập thể tình yêu đó trong tất cả mọi chiều kích của sự sống. Chúa Thánh Thần đồng thời sẽ khơi dậy trong đôi bạn lòng khao khát gặp gỡ vĩnh viễn với Chúa Kitô, trong nhà Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta. Ðây là sứ điệp hy vọng mà từ Valencia tôi muốn gởi đến tất cả mọi gia đình trên thế giới. Amen.

 

Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng

Theo Radio Veritas

 

Text Box: TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO

 

Hiệp thông trong bu khí các gia đình trên thế gii hp nhau ln th V, ti Valencia-Tây Ban Nha, t 1-9/7/2006 theo truyn thng 3 năm mt, chúng ta cùng suy nghĩ về gia đình Công Giáo ngày nay dưới ánh sáng ca Li Chúa và giáo hun Hi Thánh.

Có thể nói nhận định của ĐTC Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Gia Đình (Familiaris Consortio) được ban hành ngày 22.11.1981, trong phần đầu tiên “ánh sáng và bóng tối nơi gia đình ngày nay”, vẫn còn rất thời sự : “Hoàn cảnh các gia đình đang sống hiện có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực : một số khía cạnh cho thấy ơn cứu độ của Đức Kitô đang tác động trong thế gian ; một số khía cạnh cho thấy sự từ chối của con người đang chống lại tình thương của Thiên Chúa.” (FC. Số 6)

Những dấu hiệu tích cực- “ánh sáng” nơi gia đình là :  ý thức về tự do, chú ý nhiều đến phẩm chất các tương quan từng thành viên trong hôn nhân gia đình, đề cao phẩm giá phụ nữ, nâng cao giáo dục trẻ em, tính hỗ tương trợ giúp giữa các gia đình với nhau về tinh thần cũng như vật chất, khám phá lại vai trò của Hội Thánh đối với gia đình, ý thức trách nhiệm gia đình trong việc xây dựng xã hôi. (x. FC.  6)

Bên cạnh đó, “bóng tối” xuất hiện trong gia đình bằng các dấu hiệu tiêu cực như : “Quan niệm sai lầm về sự độc lập giữa vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị gia đình đã cảm nghiệm, con số các vụ li dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp triệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai.” (FC. 6)

Cách riêng, vì phải chạy theo một chương trình giáo dục dầy đặc của xã hội, phần lớn phụ huynh Công Giáo Việt Nam đánh mất, quên đi, hay không còn thời giờ lo cho việc giáo dục đức tin của con cái như lời cam kết lúc đem con đi rửa tội : “Khi xin phép rửa tội cho con cái, anh chi em lãnh nhận trách nhiệm giáo dục các em trong đức tin, để các em tuân giữ các giới răn Chúa là mến Chúa yêu người như Chúa Kitô đã dạy chúng ta. Anh chị em có ý thức điều đó không ? Thưa ý thức. (Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em). Vì phải luôn miệng nhắc bảo con học sáng, học chiều, học tối, học bồi dưỡng, học phụ đạo… học thêm toán, lý, hoá, ngoại ngữ, vi tính, đàn… mà cha mẹ không còn giờ, không còn sức nhắc con học giáo lý ! Ngay cả mùa hè, tưởng con em có giờ đến với các lớp giáo lý, kinh nguyện, chầu và thánh lễ nhiều hơn, nhưng cũng không khá hơn như ước vọng.

Với nhiều lý do khác, nhất là sự quá tải của công việc, thực trạng các gia đình thế giới cũng báo động nguy cơ sao nhãng việc giúp con cái sống đạo. Phải chăng vì thế mà chủ đề của cuộc gặp gỡ, chia sẻ, đối thoại, học hỏi lần thứ V của các gia đình tại Valencia lần này rất thiết thực là : “Truyền thông đức tin trong gia đình”. Nó giúp gợi lại vai trò tiên quyết và căn bản của gia đình Công Giáo-“trường học đầu tiên mà không một đoàn thể nào có thể vượt qua” (Tuyên ngôn giáo dục Kitô giáo, số 3). Lý do mà Công Đồng Vatican II đưa ra rất rõ : “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận rất quan trọng trong việc giáo dục chúng. Vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng.” (tài liệu đã dẫn)

Cha mẹ “nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu” phải giáo dục con cái bằng lời và bằng gương sáng. Nhắc con cái đi lễ, nếu không hiệu quả, cha mẹ phải dắt con cái đi. Abraham đã từng đưa con trai là Isaác đi tế lễ Thiên Chúa dù của lễ chính là con một mình. (x.St 22, 1-18) Ngày nay cha mẹ dẫn con đi dâng lễ, của lễ “chính Thiên Chúa đã liệu” (St 22, 8), cho dù có cố gắng để đến nhà thờ vì xa xôi, vì bận việc… cũng không phải hy sinh, đau xót như tổ phụ Abraham lên núi.

Cũng có không ít trường hợp con cái thiếu ý thức tuân giữ luật Chúa. Chúng không ngoan ngoãi theo cha mẹ như Isaác theo Abraham. Phải chăng chúng chưa được dạy dỗ ngay từ sớm và trường kỳ những điều mà cha mẹ đã giữ theo tinh thần như Dân Chúa thời Cựu Ước. “Anh em phải yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của anh em, và mọi ngày phải truyền điều Người đã truyền giữ là các thánh chỉ, quyết định và mệnh lệnh của Người… những lời tôi nói đây anh em phải ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu. Anh em phải dạy những lời ấy cho con cái, mà nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy. Anh em hãy viết lên khung cửa nhà anh em, và lên cửa thành của anh em.” (Đnl 11, 1.18-19). Nếu cha mẹ “ghi lòng tạc dạ” và “tuân giữ thánh chỉ” ; nếu gia đình là nơi “lệnh truyền của Chúa” được “viết lên” ; và nếu con cái được giáo huấn “lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như thức dậy”… thì bảo đảm sẽ có những đứa con thông hiểu giáo lý, siêng năng việc đạo đức. Khi đó cha mẹ chu toàn tốt nhiệm vụ thông truyền đức tin cho con cái, hứa hẹn một tương lai con em vững tin và sống đạo tốt.

Chính vua Đavít, dù bận rộn với việc chinh chiến và cai trị đất nước, sau khi nhắc bảo dân, và giáo dục niềm tin cho con là Salômon, người nối ngôi : “Phần con, Sa-lô-môn, con của cha, con hãy nhận biết Thiên Chúa của cha con mà trọn niềm phụng sự với tâm hồn phấn khởi, vì ĐỨC CHÚA dò xét mọi tâm can và thấu suốt mọi tư tưởng đang hình thành. Nếu con tìm kiếm Người, Người sẽ cho con được gặp; nhưng nếu con lìa xa Người, Người sẽ lìa bỏ con.” (1 Sb 28, 9)

Sách Tôbia đã kể lại việc Tôbia cha dạy dỗ Tôbia con rất chi li, căn kẽ từng điều, để sống nên người tốt : “Con hãy chôn cất cha cho tử tế. Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Này con, con phải nhớ rằng mẹ con đã trải qua bao nỗi ngặt nghèo vì con, khi con còn trong dạ mẹ. Khi người mất, con hãy chôn cất người ngay bên cạnh cha, trong cùng một phần mộ. Con ơi, con hãy tưởng nhớ Đức Chúa mọi ngày, đừng có ưng phạm tội và làm trái mệnh lệnh của Người. Hãy thực thi công chính suốt mọi ngày đời con và đừng đi theo những nẻo đường bất chính, vì những ai sống theo sự thật thì sẽ thành công trong sự nghiệp của mình. Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ…” (Tb 4, 3-7). Đây có thể coi là gương mẫu giáo dục nhân bản và tu đức gia đình !

Những lời giáo huấn của Matigia với con cái, trước khi qua đời được Sách Macabê quyển 1 ghi lại : “Vậy giờ đây, hỡi các con, hãy bừng lửa nhiệt thành đối với Lề Luật, và hãy hy sinh mạng sống để bảo vệ Giao Ước của tổ tiên chúng ta… Con hãy tâm niệm rằng, từ đời này qua đời khác, hết những ai đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa sẽ không bị suy tàn.” (1Mcb 2, 50.61)

Thánh Phaolô dạy việc giáo dục trong gia đình : “Hỡi những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.” (Eph 6, 4) “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Cl 3, 21)

Không phải tất cả con cái chúng ta đều thực hiện tốt lời dạy của sách Châm Ngôn “Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ.” (Cn 1, 8) hay làm  theo lời Huấn Ca “Mọi lời lẽ về Thiên Chúa, con hãy thích nghe,  những châm ngôn ý nhị, con đừng bỏ uổng.” ( Hc 6, 35). Ngày nay chúng thích đọc, học, nghe, xem những chuyện xã hội, những tác phẩm đời hơn là giáo huấn “khô khan” của Hội Thánh. Nếu thử thống kê tỉ lệ số trang sách báo gia đình mình đã đọc trong một tuần, được bao nhiêu phần so với Kinh Thánh và giáo huấn của Hội Thánh, chắc là chênh lệnh nhiều, rất nhiều, mà tài liệu giáo lý thua xa văn phẩm đời.

Thiết tưởng, những lời thánh Phaolô khuyên Timôthêô, thường được các mục tử, nhà rao giảng, truyền giáo thực hiện, cũng rất phù hợp với cha mẹ “tông đồ gia đình” :  “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. ( 2Tm 4, 2-4)

Chúng ta hãy cầu nguyện và góp phần làm cho lời kêu gọi của ĐTC Gioan Phaolô II, lời được Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhắc lại  trong phần kết thúc tài liệu “Gia Đình Á Châu Hướng Đến Nền Văn Hoá Sự Sống Toàn Diện” thành hiện thực : “Hỡi gia đình, hãy trở nên cái mà ngươi là” (F.C. số 17). Ước gì các gia đình ngày một tiến gần đến chính mình hơn : 

1. “Gia đình là cộng đoàn yêu thương căn bản mà Tạo Hoá đã xếp đặt cho nhân loại, là tế bào đầu tiên và là nền móng để xây dựng một xã hội vững bền.”(Giáo Lý hỏi thưa của HĐGMVN, câu 393)

2. “Gia đình Kitô giáo là một cộng đồng tình yêu theo hình ảnh hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thứ đến, gia đình Kitô giáo thể hiện cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh. Vì thế, gia đình Kitô giáo được gọi là “Hội Thánh  tại gia”(sđd, câu 394)

3. “Gia đình Kitô hữu-một cộng đoàn đức tin và rao giảng Tin Mừng ; Gia đình Kitô hữu-một cộng đồng đối thọai với Thiên Chúa ; Gia đình Kitô hữu-cộng đồng phục vụ con người.” (x. FC. Số 54-64)

4. “Gia đình là cộng đoàn, nơi đó từ thời thơ ấu, con người được biết tôn trọng những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và biết sử dụng tự do. Đời sống gia đình chuẩn bị cho đời sống xã hội.” (Giáo Lý Toàn Cầu, số 2207)

5. ”Gia đình là chỗ bình thường để trẻ lớn lên tới độ trưởng thành cá nhân và xã hội. Gia đình cũng là nơi mang lấy gia sản nhân loại… Gia đình không đơn thuần là đối tượng chăm sóc mục vụ của Giáo Hội, gia đình còn là những thành viên hữu hiệu nhất trong việc rao giảng Tin Mừng. Các gia đình Kitô hữu ngày nay được kêu gọi làm chứng cho Tin Mừng, trong những thời gian và hoàn cảnh khó khăn, khi chính gia đình bị một loạt quyền lực đe doạ.” ( Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 46)

6. “Giáo Hội thông chia những niềm vui và hy vọng, những nỗi buồn và lo âu trong cuộc hành trình thường nhật của con người, với niềm thâm tín rằng chính Chúa Kitô đã sai gởi Giáo Hội đến khắp mọi nẻo đường ấy : chính Người đã giao phó con người cho Giáo Hội, đã giao phó con người như là đường lộ cho sứ mệnh và cho thừa tác vụ của Giáo Hội. Trong vô vàn vô số đường lộ ấy, gia đình là đường lộ số một, và là đường lộ quan trọng nhất…” (Thư của ĐTC Gioan Phaolô II gởi các Gia Đình, Năm Gia Đình 1994)

Cầu chúc các bậc làm cha mẹ, nhờ suy niệm và thực hành lời Tv 119, 33-37, được dồi dào ơn Chúa, kiên trì giúp con cái mình sống theo Lời Ngài :

Lạy CHÚA, xin dạy con đường lối thánh chỉ,

con nguyện đi theo mãi đến cùng.

Xin cho con được trí thông minh

để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.

Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi,

vì con ưa thích đường lối đó.

Xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý,

không ngả theo lợi lộc tiền tài.

Xin giữ mắt này khỏi nhìn theo những gì hư ảo,

và cho con được sống nhờ đường lối của Ngài.

      

Bình An, 07.07.2006

 

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy

 

 

Bài giảng giáo Lý về Đức Khiêm Nhường


Th by ngy 8/07/06 Ban Mc v Di dân t chc buihc Giáo lý cho gii công nhân ti Bình dương, vi ch đ Đức Khiêm Nhường.

1. Ðể đả phá sự kiêu ngạo, người Nhật Bản thường kể câu chuyện sau:

Có một nhà hiền triết nọ nổi tiếng về sự khôn ngoan và kiến thức. Ai ai cũng tìm đến vấn kế.
Ðể kiểm chứng điều đó, một hôm có một giáo sư đại học đến xin tiếp kiến nhà hiền triết. Ông trang bị cho mình không biết bao lý lẽ và kiến thức.


Khi ông giáo sư đại học an tọa trong phòng khách, nhà hiền triết mới đưa một bình trà thật nóng ra tiếp khách .Ông bắt đầu rót nước vào tách của ông giáo sư. Những giọt nước trà nóng hổi không mấy chốc đã tràn ra tách, nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên rót tiếp. Nước tràn ra cả khay... Ông giáo sư nhìn nước tràn ra khay rồi nghĩ thầm trong lòng: thì ra con người mà thiên hạ tôn thờ như bậc thánh hiền chỉ là một con người lơ đễnh, bất chấp... Không còn đủ kiên nhẫn nữa, vị giáo sư mới nói lớn: "Thưa ngài tách trà đã đầy tràn, nước đang chảy lai láng ra bên ngoài cả khay kìa".

Lúc bấy giờ nhà hiền triết mới dừng tay lại và nói: "Cũng giống như tách này, đầu óc của ông tràn đầy văn hóa, kiến thức, tư tưởng và những định kiến. Nếu ông không dốc cạn tách trà của ông, thì làm sao tôi có thể nói với ông về triết thuyết của tôi, bởi vì triết thuyết của tôi chỉ dành cho những con người đơn sơ và cởi mở".

2. Kiêu ngạo nẩy sinh từ đấy, từ một con ngừơi tràn đầy văn hóa, kiến thức, tư tưởng, định kiến. Đó là những viên gạch xây dựng pháo đài mang tên “tôi”. Thật vậy “Ngay từ khi lọt lòng mẹ, hai bàn tay tôi nắm lại, để khẳng định rằng tôi” mới là quan trọng.

Ngay cuốn sách đầu tiên của Thánh kinh đã nói đến “cái tôi” của Nguyên tổ, để từ đó cắt nghĩa tại sao con ngừơi phải chịu đau khổ. Trong Phật giáo, Đức phật cũng nhận ra “cái tôi” là nguyên cớ của muôn vàn cay cực mà nhân lọai phải đón nhận, Ngài đã thốt lên: “đời là bể khổ”. Thật ra, cuộc đời con người từ nguyên thủy không có khổ đau, Sách Sáng thế đã tường thuật lại cảnh hạnh phúc mà con ngừơi sống trong vườn địa đàng: con ngừơi sống hòa thuận đần ấm với thiên nhiên trong mối dây liên kết thân mật với Thiên Chúa. Thế nhưng, sự sống hạnh phúc đó bị phá hủy bởi “cái tôi” xuất hiện. Tại sao tôi lại phải lệ thuộc vào Thiên Chúa ? Tại sao tôi không là Thiên Chúa? Không, tôi phải dành cho được cái quyền tối ưu, chỗ đứng tôi mới là quan trọng., tôi không lệ thuộc vào ai cả, tôi sẽ biết thiện và ác, tôi không phải vâng lời ai cả. Tôi cứ ăn trái cấm, coi Thiên Chúa sẽ làm gì được tôi. Và hậu qủa của sự cao ngạo đó là con ngừơi bị lọai ra khỏi cuộc sống hạnh phúc, và qủa thật con ngừơi đã nhận ra thế nào là thiện, thế nào là ác. Thiện chính là khiêm nhường nhận ra mình là ai, và Thiên Chúa là ai, còn ác phát xuất từ hành vi cao ngạo của “cái tôi”.

Để phục hồi lại sự sống hạnh phúc nguyên thủy nầy, Đức Giêsu Kitô đã tự nguyện đến trẩn gian qua việc Nhập thể khiêm hạ trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria, một thiếu nữ Do thái đơn hèn sống trong một gia đình thấp bé tại ngôi làng Nazareth nhỏ nhất của nuớc Do thái, Ngài sinh ra trong cảnh nghèo nàn nơi hang đá mà dân du mục chọn lấy để trú ngụ qua đêm hoặc trong mùa gía rét. Thật vậy, Đức Kitô được gọi là Đấng Messia khiêm nhường mà tiên tri Zêcaria đã loan báo (x. Mt 21, 5). Ngài đã từng tuyên bố: “Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Ngài đến trần gian không để tìm vinh quang cho mình (Ga 8, 50). Là Thầy, là Chúa, Ngài đã hạ mình xúông rửa chân cho các môn đệ để dạy các ngài bài học khiêm nhường (Ga 13, 14tt). Chúa Giêsu đã phá hủy “cái tôi”, Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không khư khư giữ lấy địa vị ngang hàng Thiên Chúa, Ngài đã tự hạ mình, để vâng lời cho đến chết và chết trên Thập gía (x. Pl 2, 6tt). “Cái tôi” cao ngạo đã bị Đức Kitô tiêu hủy, để từ đó nẩy sinh một sự sống mới, sự sống hạnh phúc vĩnh hằng với Thiên Chúa.

3. Từ đó, chúng ta có thể nhận ra rằng, đời sẽ không là bể khổ khi chúng ta học nơi Đức Kitô bài học về sự khiêm nhường, vì đấy là con đường dẫn tới yêu thương, như Augustinô đã nói: “đâu có khiêm nhường, ở đấy có bác ái”. Mà đức ái là nguồn mạch của hạnh phúc. Bởi chính nhờ yêu thương mà chúng ta nhận biết Thiên Chúa (1 Ga 4, 7). Từ việc nhận biết đó chúng ta thiết lập mối tương giao với Thiên Chúa, trong mối tương giao nầy chúng ta nhận biết Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và hạnh phúc đích thật. Chúng ta nhận ra thân phận mỏng dòn và giới hạn của chúng ta. Chúng ta nhận ra “cái tôi” chẳng là gi, chẳng có thiện hảo nào xuất phát từ nơi “tôi”, tất cả những gì tôi có đều nhận lãnh từ nới Thiên Chúa. Để từ đó chúng ta tín thác cuộc đời chúng ta cho Thiên Chúa, chúng ta không còn cậy dựa vào “cái tôi”, nhưng là vào Thiên Chúa. Đức khiêm nhường đựơc xây dựng trên sự nhận biết nầy
Thật vậy Kinh thánh đã trình bày đức khiêm nhường trứơc tiên là nhận biết mình là ai để không cậy dựa vào “tôi” (x. Cn 3, 7; Tv 131, 1: Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi; Rm 12, 3. 16). Từ đó đức khiêm nhường chỉ cho biết mọi sự mình có đều do bởi Thiên Chúa trao ban (1 Cor. 4, 7); và nhận ra rằng mình chỉ là tội nhân (Is 6, 3tt) là tôi tớ vô dụng (Lc 17, 10).


4. Từ sự nhận biết đó đức khiêm nhường dẫn đưa chúng ta nối gót theo đức Kitô, phá hủy cái tôi cao ngạo, để dấn thân phục vụ anh em trong tinh thần khiêm hạ (Lc 22, 26tt). Chính khi khiêm nhường phục vụ như thế chúng ta đang mở rộng tâm hồn để đón nhận những ân huệ của Thiên Chúa. Ân huệ đầu tiên đức khiêm nhường mang lại chính là sự khôn ngoan đích thật, làm cho ngừơi khiêm nhường phân biệt được điều lành và điều dữ (1 V 3, 9). Trong cựu ứơc sách Samuel cuốn thứ nhất 25, 2 -43 đã nói tới hành vi của bà Avigagin, vợ ông Navan. Biết chồng mình đối xử tệ với Davit, và chắc chắn Navan sẽ bị giết chết. Bà đã nhanh chân đến quí dứơi chân Davit và thẳng thắn xin chịu tội, và nài nỉ sự ân xá của Davit. Và bà đã thành công. Chính sự khiêm nhường đã giúp bà nhận ra điều lành và điều dữSự khôn ngoan làm cho chúng ta khám phá gía trị lớn lao của luật Chúa để tuân giữ. Đức khôn ngoan làm cho chúng ta nhìn thế giới chung quanh bằng cặp mắt sáng súôt và không ảo tưởng. Nhìn ra những điều xấu để tránh xa, chỉ dạy chúng ta thận trọng, điều độ trong ứơc muốn, chân thành trong lời nói, yêu chuộng công bình, ghét hận thù và yêu thương những ngừơi nghèo khó.


Đức khiêm nhường còn cho chúng ta cảm nhận ra thân phận yêu đuối, tội lỗi của mình để thống hối và tín thác vào Thiên Chúa. Câu chuyện được kể lại trong Phúc âm Luca 18, 9-14 về người thu thuế vào đền thờ cầu nguyện. Với thái độ khiêm cung, không dám ngước mặt lên trời, đấm ngực và than thở: “lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội”. Ông đã được nhận được ơn tha thứ. Người thu thuế nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa vì ông nhận ra chính con người của ông, ông đi ra khỏi “cái tôi”, phơi bày tất cả thân phận yêu hèn trước mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa không kết án kẻ có tội, Ngài chỉ kết án thái độ cao ngạo, cố chấp; Ngài kết án những con ngừơi dám nhận những ân huệ của Thiên Chúa trao ban làm của mình, để từ đó phê phán, kết án anh em mình. Người khiêm nhường không bao giờ dám xét đóan một ai. Bời họ nhận ra rằng họ cũng chẳng có gì, cũng chẳng hơn ai. Đức khiêm nhường dạy ngừơi ta nhận ra mọi tài năng, khả năng là ân huệ của Thiên Chúa trao ban để phục vụ cho Thánh ý. Bởi vậy ngừơi khiêm nhường không buồn phiền vì những thất bại sau bao nỗ lực, cũng không lấy làm vinh dự cho riêng mình vì những thành công trong công việc.

5. Khiêm nhường không là nhu nhược. Người nhu nhược luôn sợ hãi, tránh né, không đủ can đảm đón nhận sự thật. Nhu nhược là trạng thái bệ rạc của một con ngừơi không có khả năng nhận ra chân lý và luôn bị khuất phục bởi những tính hự tật xấu, bởi sự dữ, bởi bất công, bạo tàn. “Người nhu nhược để ý chí lăng loàn như anh nài không cầm được voi. Người vâng lời khắc phục được ý chí như nhà xiệc điều khiển mãnh hổ.” (Đường Hy vọng số 390). Trái lại ngừơi khiêm nhường luôn nhận ra sự thật, lắng nghe sự thật và bước theo sự thật. Khiêm nhường dạy ngừơi ta dấn thân phục vụ vì thiện ích của tha nhân. Đức Kitô, “Đấng khiêm nhường”, đến để phục vụ phần rỗi cho nhân lọai qua lời mời gọi sống yêu thương, nhưng Người cũng mạnh dạn tố cáo bất công, gỉa hình. Người mạnh mẽ lên án quyền lực, nếu quyền lực đó không phục vụ thiện ích cho dân chúng, đặc biệt cho những người thân cô thế yếu, những ngừơi bị xã hội lọai trừ vì nghèo, vì bệnh tật. Khiêm nhường luôn hướng đến chân lý. Đó là con đường mà những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu phải bứơc vào. Không thể yêu thương nếu không khiêm nhường. Bởi tình yêu luôn phát xuất từ một trái tim rộng mở, một trái tim sống cho ngừơi khác, chứ không cho chính mình, một trái tim phục vụ cho hạnh phúc của tha nhân chứ không qui hướng về minh. Trái tim đó chỉ có thể đúc nắn nơi một con người sống khiêm nhường đích thật, nơi đó “cái tôi” hòan tòan bị phá đổ.


Vâng, ngừơi khiêm nhường luôn lấy sự phục vụ tha nhân như phương thế để phục vụ cho sự thật. Vì sự sống con ngừơi là ân huệ cao qúi, và phẩm giá con ngừơi được dệt nên bởi “giống hình ảnh Thiên Chúa”. Sự khiêm nhường luôn là một lời mời gọi dấn thấn phục vụ, chứ không là “ nhốt” mình không dám làm gì vì “không xứng đáng, không có khả năng”. Đó chỉ là ngụy biện của một con ngừơi cao ngạo và nhu nhược. Mẹ Têrêsa Calcutta, con ngừơi nhỏ bé, yếu đuối, nhưng mẹ không để hình dáng bên ngòai cản trở mẹ dấn thân phục vụ. Mẹ đã tận tụy với công việc cứu giúp những kẻ bất hạnh với thài độ của ngừơi môn đệ Chúa Kitô: phục vụ và phục vụ hết mình, phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng. Phục vụ không vì danh lợi trần thế, không vì vinh quang người thế mặc cho, nhưng vì “là cây viết chì trong bàn tay Thiên Chúa”. Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: Ai muốn theo Thầy, hãy bỏ minh vác Thập giá mà theo Thầy. Như vậy rõ ràng để trở thành môn đệ của Chúa, phải ra khỏi chính mình, phải từ bỏ “cái tôi” để mang vác Thập gía. Thập gía đó là gì? Đó không phải là Thánh ý của Cha và phần rỗi của nhân lọai đó sao? Qủa thật, theo Chúa Kitô chính là phục vụ trong tinh thần khiêm nhường, phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Thập gía Chúa Giêsu mang vác không gì khác ngoài Tình yêu dành cho Cha và cho nhân trần. Đó cũng là Thập gía mà Chúa muốn người môn đệ tiếp tục vác lấy mỗi ngày: Yêu Thiên Chúa hết sức hết linh hồn và yêu tha nhân như chính mình.


6. Thế nhưng nhiều người họ không nhận ra những ân huệ lớn lao mà đức khiêm nhường mang lại. Họ coi sự khiêm nhường là đánh mất chính mình, là khờ khạo, là chối bỏ sự hiện hữu của chính mình. Họ là những ngừơi kiêu ngạo. Họ chối bỏ mọi sự lệ thuộc vào bất cứ một ai, ngay cả với Thiên Chúa (Stk 3, 5). Người kiêu ngạo thường huênh honag và luôn cầu dnah vọng (Lc 14, 7; Mt 23 6tt), hay ghen tị (Gal 5, 26) vênh váo hay thích phô trương (Am 6, 8), họ tự đắc về sự giàu sang (Gac 4, 16; 1 Ga 2, 16)… Họ là những ngừơi không bao giờ chấp nhận sự thật, ngay cả sự thật về chính con người của họ. Kẻ kiêu ngạo xây dựng pháo đài “cái tôi” bằng chính những phô trương gỉa tạo. Và sẽ đỏ mặt tía tai nếu ai đụng đến pháo đài đó. “Tôi” là tất cả, không bằng “tôi” và chỉ có “tôi” mới là đáng kể, ngoài ra không có gì đáng phải quan tâm.

Lòng kiêu ngạo là nguyên cớ của bao mối bất hòa, hận thù và chiến tranh. Nó còn gây ra những hà hiếp bất công, vì người kiêu ngạo luôn lấy cái của người khác làm của mình. Bất công đối với Thiên Chúa và bất công đối với tha nhân. Kiêu ngạo là nguyên do đưa đến những sự dữ trong thế gian, trong cuộc sống. Và đó “căn” của “bể khổ”. Bao nhiêu tội ác xảy ra trong thế giới đều phát xuất từ tính khí kiêu ngạo. Nó là cha đẻ của sự đố kỵ ghen tương. Lịch sử nhân lọai, và lịch sử cứu độ đã kể ra bao nhiêu tội ác do tính đố kỵ nầy. Ngay những trang đầu của sách Sáng Thế Ký, Cain đã đổ máu em mình là Abel vi sự đố kỵ nầy, và chuyện đổ máu không chỉ xảy ra một lần, nhưng đã kéo dài trong súôt chiều dài của lịch nhân lọai vì tính đó kỵ.

Người kiêu ngạo không bao giờ muốn có hòa bình. Vì hòa bình là hoa qủa của lòng khiêm nhu, hiền hòa. Do đó kè kiêu ngạo luôn nghĩ đến bất hòa. Gieo tiếng xấu cho nhau là hành vi luôn được kẻ kiêu ngạo chuyên chăm thi hành. Hành vi nầy bắt nguồn từ sự ghen tương và thù hận. Họ chẳng muốn ai hơn mình bất cứ về điều gì tinh thần cũng như vật chất. Kẻ thù của những kẻ kiêu ngạo chính là những người công chính, ăn nói thẳng ngay, nhưng ngừơi tạo ra mối hòa thuận…. Và họ luôn tìm mọi mưu kế để triệt hạ kẻ “hơn họ”.

7. Thiên Chúa luôn chống lại những kẻ kiêu căng. Đuổi Nguyên Tổ ra khỏi địa đàng như là hành vi chống lại kẻ kiêu căng . Thật vậy “Chúa giơ ta biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trì kiêu căng” (Lc 1,51). Trong các Thánh vịnh, chúng ta được nghe tác gỉa kể lại những việc làm Chúa dành cho những kẻ cao ngạo: họ đã chuốc lấy bao tủi hổ, cánh tay dũng lực của Thiên Chúa luôn đè nặng trên họ. Và trong Tân ứơc, sự Phục sinh của Đức Kitô là hành vi chiến thắng tính kiêu ngạo của Satan.
Qủa thật Thiên Chúa không bao giờ để cho những ngừơi cao ngạo đựơc hạnh phúc Bởi họ đã được ru ngủ trong lâu đài “cái tôi” cao ngạo của họ. Do đó cuộc đời của họ luôn đối diện với những bất an do thù hận, ghen tương. Trong đầu óc của họ luôn chìm ngập trong bóng tối của những mưu mô xảo quyết nhằm ám hại những kẻ ăn ở ngay lành.

8. Chúng ta những Kitô hữu luôn được mời gọi: hãy học cùng Chúa Giêsu, vì Ngừơi hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Bài học nầy chỉ có thể lãnh hội được không chì nghe về Chúa, về cuộc đời của Chúa, nhưng còn phải sống như Chúa.


Hãy học cùng Chúa về sự vâng phục: “lạy Cha, xin đừng theo ý con mà hãy theo ý Cha”. Vâng phục là bài học khiêm nhường đầu tiên. Với bài học nầy đòi hỏi chúng ta phải khứơc từ ý riêng của mình, nhưng theo ý Chúa qua Giáo hội, qua các phẩm trật Giáo hội, qua các vị chủ chăn, thầy dạy. Công đống Vat. II đã nhắn nhủ: “Như mọi tín hữu khác, với tinh thần vâng lời của ngừơiKitô hữu, giáo d6an cũng hãy mau chấp nhận những điều các chủ chăn có nhiệm vụ thánh, đại diện Chúa Kitô, đã quyết định với tư cách thầy dạy và lãnh đạo trong Giáo hội” (LG 37).


Khiêm nhường con là phục vụ như Chúa phục vụ: Chúa đến để phục vụ chứ không để được phục vụ. Tình thần phục vụ của Đức Kitô chính là quan tâm đến những ngừơi nghèo khó, bệnh tật, nhữg kể yếu đuối tội lỗi. Người phục vụ đến hiến dâng mạng sống mình. Đây là bài học thứ hai của đức khiêm nhường. Ơn gọi của kitô hữu chính là loan báo tin mừng không chỉ bằng lời, nhưng còn bằng chính sự dấn thân trong đời sống bác ái. Như Đức Phaolô VI đã nói: những người đồng thời sẽ sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn là những vị thầy; và nếu họ lắng nghe những vị thầy, thì đó là vì những vị thầy này là những chứng nhân. Chứng nhân mà ngừơi thời đại đang mong mỏi đó chính những hành vi phát xuất từ một trai tim yêu thương . Người thời đại đang khao khát một tình yêư trao ban đích thật, bởi xã hội hôm nay chất chứa quá nhiều tham vọng ích kỷ, ngừơi ta có nói đến tình yêu đấy, nhưng cuối cùng tình yêu trở thánh phương tiện để tuyên truyền hầu đạt tới mục đích tư riêng ích kỷ. Ngay trong tình yêu hôn nhân và gia đình cũng đang bị vẩn đục bởi cuộc sống thực dụng và hưởng thụ cho riêng bản thân mình. Đức khiêm nhường mời gọi chúng ta yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34). Tình yêu đã đưa Đức Ki-tô đến trao hiến thân mình, hy sinh tận cùng trên thập giá. Một tình yêu đòi hỏi phải sẵn sàng phục vụ không tính toán, sẵn sàng đón tiếp người khác dù họ thế nào đi nữa, không "xét đoán" họ (x. Mt 7,1-2), có khả năng tha thứ dù cả tới "bảy mươi lần bảy" (Mt 18,22).
Bài học thứ ba của đức khiêm nhường chính là sự hiệp thông với nhau nhằm xây dựng một cộng đoàn huynh đệ thực sự. Thế nhưng hiệp thông huynh đệ không là một bắt chứơc giống nhau,một rập khuôn theo kiểu đồng phục. Hiệp thông chính là thể hiện tinh thần liên kết trong tình yêu trao tặng. Sự hiệp thông mang lại nhiều sáng kiến có tính xây dựng cho sự duy nhất. Sự hiệp thông không bao giờ bóp chết sáng kiến thể hiện tình yêu. Cho nên một cộng đỏan hiệp thông là một cộng đòan biết lắng nghe ý kiến, biết tỏ bày ý kiến và biết đúc kết ý kiến để thăng tiến cộng đòan. Trong cộng đòan hiệp thông từng thành viên sống không cho mình nhưng cho cộng đòan. Những tự ái, những thiên kiến hẹp hòi, cá nhân chủ nghĩa sẽ bị lọai bỏ, bù vào đó là tấm lòng khoan dung, độ lượng, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau. Sự hiệp thông cộng đòan không bao giờ để xuất hiện một quyền lực phục vụ cho ý đồ của cá nhân, nhưng mọi dự tính phải hứơng đến sự thăng tiến và ích lợi của cộng đòan.


Lm Antôn Hà Văn Minh

Theo Web site Giáo phận Phú Cường

 

NƯỚC MẮT VÀ NGHỆ THUẬT SỐNG

 

I. VÌ ĐÂU NÊN NỖI.

 

Tôi còn nhớ như in, buổi chiều hôm ấy, mưa dữ dội. Mưa như người ta tháo cống. Tôi khá bất ngờ khi người gõ cửa phòng tôi là một cậu học trò đang tìm hiểu ơn gọi tu trì mà tôi đang chịu trách nhiệm linh hướng (hướng dẫn tâm linh). Bất ngờ vì cậu học trò của tôi có thể gặp tôi bất cứ lúc nào, nhưng đến với tôi giữa lúc mưa gió thế này, chắc chắn phải có chuyện!

 

Em học giỏi, là sinh viên năm cuối của một trường đại học, và đang là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học khác. Em lạnh run, đôi môi xám ngắt. Nhưng hình như lòng em chẳng lạnh, ngược lại đang bừng bừng nóng nảy, giận hờn. Nét mặt và cả đôi mắt của em cho tôi hiểu như thế.

 

Tôi mời em ngồi và kiên nhẫn đợi em lấy lại bình tĩnh. Em kể cho tôi nghe về nỗi muộn phiền của em, về sự bất bình đối với một “người có quyền” lại nỡ đối xử tệ với em, khi cho rằng em có lỗi. “Người có quyền” ấy lại còn lôi cả lỗi lầm của gia đình em, của chính người cha ruột thịt của em đã vấp phạm từ gần hai mươi năm trước để quy chụp và kết luận trên chính trường hợp của em: “Cha nào con nấy. Đã sinh ra trong một gia đình thiếu nề nếp, thì cầm chắc, con cái của cái gia đình ấy làm sao nề nếp được!…”. Kể rồi em lại khóc. Khóc rồi em lại tức. Em tuyên bố: “Thưa cha, con nghỉ học, bỏ tu”.

 

Vẫn giữ thái độ bình tĩnh như từ lúc đầu gặp em, tôi im lặng ngồi nghe em trút hết tất cả niềm xót xa mà em đang gánh lấy. Em gục đầu trên chính đôi tay mình, khóc không biết bao nhiêu mà nói. Khóc cho nỗi oan ức mà “người có quyền” giáng xuống trên em, áp đặt em, không cho em có cơ hội bào chữa mình, hoặc chí ít là trình bày hoàn cảnh, trình bày sự thật…

 

Ngoài trời đang mưa to. Nhưng nước mắt uất hận của em là cả một trận mưa lòng còn lớn hơn tiếng mưa vỗ ngoài hiên...

 

Nửa giờ đồng hồ trôi qua, tôi vẫn hiện diện với em bằng tất cả sự đồng cảm, trân trọng và quý mến, trong khi vẫn thinh lặng, vẫn chăm chú theo em từng chi tiết của câu chuyện em kể. Có chăng khi phải nói thành lời, thì lời của tôi cũng chỉ là gợi hứng cho em trút hết vào tôi niềm bức xúc, sự suy nghĩ, cảm nhận và cả nội tâm nặng nề của chính em. Có một điều tôi không đồng ý với em khi em lặp lại chắc như đinh đóng cột quyết định của mình: “Con sẽ nghỉ học, bỏ tu”. Rồi để kết thúc dòng tâm tư đầy ngỗn ngang, đầy xáo trộn, bộn bề của mình, em yêu cầu tôi cho em một lời khuyên.

 

Thay cho một lời khuyên suông, tôi đã kể cho em nghe những nỗi niềm ai oán đã từng xảy ra dọc đường đời của tôi và xảy ra nơi những nhân vật mà em có thể biết mặt biết tên. Tôi muốn em đối chiếu chính hoàn cảnh của em nơi những câu chuyện rất thật ấy để thêm vốn liếng, thêm cơ sở mà tự quyết định chính tương lai, chính chọn lựa của mình. Tôi tha thiết xin em bốn điều tuy rất bình thường, nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lớn, đó là:

 

1. Đang trong cơn chao đảo, bấn loạn thế này, em đừng suy nghĩ, đừng quyết định bất cứ điều gì. Thời gian sẽ làm nguôi ngoai. Lúc đó em sẽ tỉnh táo. Khi thật sự tỉnh táo, mọi suy nghĩ, mọi quyết định mới có thể sáng suốt, đúng đắn.

 

2. Tôi xin em đừng nói gì về vấn đề này với ai nữa. Nói với một mình tôi, thế là đủ. Hãy để cho nó lắng xuống. Thậm chí, nếu cần, hãy chôn sâu nó vào nấm mồ quá khứ. Đừng đeo bám nó. Nếu em cứ cố níu kéo nó, rồi than thân, trách phận, thì đau khổ của em chỉ càng đau khổ thêm. Em sẽ càng bí lối. Em sẽ là kẻ tự đào bới chính vết thương lòng của mình. Lúc đó em sẽ càng đau đớn hơn. Nặng hơn, nếu em không thể vượt qua, nó sẽ gây trong em sự xáo trộn, nhẹ thì mất ăn, mất khủ, giảm sức khỏe… Nặng thì có thể sẽ biến chứng từ một người dễ mến trở thành kẻ luôn luôn nuôi mặc cảm căm hờn, không còn tin người, không còn tin đời, thậm chí muốn nổi loạn, muốn làm một cái gì đó, ngay cả cái tồi tệ nhất vừa để tự khẳng định mình, vừa như để trả thù. Lúc đó, sẽ rất nguy hiểm, vì chính em trở thành con người của sự nguy hiểm.

 

3. Em hãy cố gắng tha thứ cho người đã lỡ đối xử tệ với em. Vì chưa cần nói đến khía cạnh đức tin, tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình là đòi buộc của Tin Mừng. Chỉ cần nói đến khía cạnh có lợi cho chính mình thôi, thì tha thứ mới là cách tốt nhất để lòng ta bới trĩu nặng, tâm hồn ta thanh thản hơn, cuộc sống của ta sẽ thăng bằng hơn. Tha thứ cũng sẽ thêm sức mạnh để ta có thể đào mồ chôn sự mất mát này vào quá khứ. Tha thứ sẽ nâng đỡ em, giúp em vượt qua hoàng cảnh, nhờ đó, em sẽ không trở thành con người của sự nguy hiểm.

 

4. Trên hết vẫn là cầu nguyện. Tôi xin em hãy quỳ trước thánh giá Chúa Giêsu, quỳ trước nhà tạm, quỳ thật lâu, đừng nói gì, chỉ cảm nghiệm. Trong cô tịch của sự lắng đọng, em sẽ thấy bình an, sẽ khám phá ra tình yêu của Chúa, khám phá đến tận cùng nỗi đau của em cũng chính là nỗi đau của Chúa, không chỉ khi Chúa chết trên thánh giá, mà chính là nỗi đau của Chúa ngay hôm nay, lúc này. Bởi Chúa đang đồng cảm với em. Người đồng cảm còn lớn hơn cả việc tôi đang ngồi lắng nghe từng lời em nói đây. Chính lúc em chìm lắng hoàn toàn trong thinh lặng trước Chúa, là lúc em nói nhiều nhất, gào thét to nhất và cầu nguyện dữ dội nhất.

 

 II. NÓI VỚI NGƯỜI TRONG CUỘC.

 

 Người trong cuộc thứ nhất là chính tôi. Tôi muốn đặt mình trở thành người trong cuộc để tự mình dấn thân vào chính kinh nghiệm mà cậu học trò của tôi đang trình bày. Từ đó, tự nhắc mình về nhiều bài học của đời sống, của những tương quan, của sự khôn ngoan và chính chắn trong những quyết định, những chọn lựa. Bởi nếu không dấn thân vào những khúc mắc thế này, thì bình thường không dễ gì có thể có bài học cụ thể nào dạy mình nghệ thuật sống cách xác đáng. Bài học tôi nhận ra cho mình là:

 

1. Trên hết mọi sự phải là lòng yêu thương. Chỉ có lòng yêu thương mới là thước đo quyền lực. Không có lòng yêu thương, quyền lực trở thành bạo chúa. Bởi không có lòng yêu thương, quyền lực của bạo chúa sẽ phán xét anh em độc đoán, nhẫn tâm. Thậm chí cuộc phán xét đó trở thành bản án “tử hình” anh em.

 

2. Chỉ có bình tĩnh mới có thể có đủ thận trọng suy xét một hoàn cảnh, một biến cố, một con người, ngay cả nếp sống, nếp nghĩ của chính con người đó. Sự bình tĩnh và thận trọng mới chính là cách giải quyết khôn ngoan nhất của “người có quyền”. Bình tĩnh, thận trọng, khôn ngoan sẽ giúp “người có quyền” phân biệt được đâu là chân lý, đâu là dư luận, và dư luận ấy do thành phần nào tạo ra, nhằm mục đích gì, chính xác bao nhiêu phần trăm. Nếu không như thế, “người có quyền” chỉ đáng giá của một kẻ dưới mức tầm thường.

 

3. Dù là “người có quyền”, nhưng “người có quyền” trước hết hãy là người đồng hành. Chỉ khi nào biến mình thành người đồng hành, gác quyền lực sang một bên, “người có quyền” mới có thể có được một tinh thần khiêm tốn. Chỉ có khiêm tốn mới nghe được lời của trái tim con người. Chỉ khi nào đi vào được trái tim con người rồi, “người có quyền” mới được phép phán quyết về một hoàn cảnh, hay một con người mà mình đang đối diện. Nếu không như thế, “người có quyền” lộ nguyên khuôn mặt của mình là một kẻ sống theo bản năng quyền lực. Nhưng con người đâu chỉ có bản năng. Vượt trên bản năng là tình cảm, tình yêu, lý trí, sự sống động của nội tâm… Bởi thế, “người có quyền” mà chỉ biết đem bản năng của mình ra để đối xử, thì “người có quyền” ấy cần phải được xét lại xem, anh ta có còn là người nữa không!

 

4. “Bề trên” chỉ thành công trong việc giáo dục “bề dưới” bằng sự đồng cảm, chở che, yêu thương. Nếu giáo dục bằng quyền lực, “bề trên” chính là thủ phạm và là kẻ gánh trách nhiệm trước tiên về việc “bề dưới” phải sống dồn nén, khiếp đảm. Hoặc tệ hơn, “bề dưới” trở thành con người của sự lỳ lợm, luôn luôn muốn nổi loạn, muốn trả thù, muốn phá vỡ sự bình yên  xung quanh… Nếu đúng như thế, thì “bề trên” chính là con rắn độc, kẻ chủ mưu của việc truyền nộc độc sang “bề dưới”. Lúc này, cần phải đem con rắn độc, nghĩa là đem đầu mối của sự dữ ra xử, thì hầu như người ta lại làm điều ngược lại: xử kẻ bị truyền nộc độc. Bởi người ta quá nông cạn chỉ thấy sự nổi loạn của “bề dưới”, mà không hề suy xét xem, ai đã làm cho “bề dưới” nổi loạn.

 

5. Để có được một mức độ quân bình hết sức trong cách cư xử, kẻ làm “bề trên” hãy nhớ rằng:

Vì mình là “bề trên”, cho nên làm “bề trên” của anh chị em thì dễ, nhưng làm một người đồng hành với anh chị em thì rất khó.

 

Vì mình là “bề trên”, cho nên đóng vai trò của một giám thị hay giám luật thì dễ, nhưng làm một người bạn với anh chị em thì rất khó.

 

Tại sao ta cứ chọn cái dễ, mà không thử một lần đứng về phía cái khó? Dù biết rằng cái khó sẽ khó cho ta, nhưng nó mang lại hiệu quả của bình an, của tình yêu, của lòng biết ơn không nhỏ. Chính “bề trên” còn sợ khó, sợ khổ, thì tại sao áp đặt quyền hành trên chính những anh chị em của mình? Hay bề trên cũng chỉ tầm thường đến nổi chỉ biết giải quyết theo bản năng. Trớ trêu và nghịch lý làm sao, khi con người có mọi phương cách để giải quyết, thì lại chỉ giải quyết theo bản năng. Mà bản năng vốn không phù hợp với loài người…

 ******

 Có thể, bạn sẽ cho rằng tôi “đao to búa lớn”. Nhưng có khi phải nhìn thẳng vào sự thật để can đảm rút ra những bài học thật cần thiết để sống trong đời. BỞi sống thành công là một nghệ thuật sống. Mà nghệ thuật sống có khi lại đến từ chính những lời hằn học, những chê trách nặng.

 

Chắc chắn, trong cuộc đời làm linh mục của mình, không ít lần tôi đặt bao nhiêu ách chồng chất trên đôi vai của biết bao nhiêu người. Thì thôi, một lần nói với chính mình như người trong cuộc, để từ nay thêm ý thức, càng tránh được sai sót nhiều bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.

 

Mong ước trở thành ngọn đèn. Nhưng chưa thể trở thành ngọn đèn như mong ước, thì xin được ý thức từng chút, từng chút một, để hy vọng ngày qua ngày tiến gần đến niềm ước mong…

 

Và rồi thêm một lần chứng kiến giọt nước mắt của người, là thêm một cơ hội để tôi tích cóp bài học cho nghệ thuật sống trong đời tôi…

 

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

 

 

 

 

NGƯỜI HIỀN (III)

 

 

 

1. Vẻ đẹp của đức Hiền lành

 

Để diễn tả vẻ đẹp ấy, đức Hiền lành được quan niệm như là hoa đức Bác ái. Cây Bác ái đã đẹp, bông hoa nảy sinh từ cây ấy càng thêm lộng lẫy. Bông hoa hiền lành tô điểm đời sống con người nên đẹp, tạo ra một cục xạ vô hình. Đã có xạ thì tự nhiên hương. Hương từ ngôn ngữ đến cử chỉ, hương từ hành vi đến tình liên đới vv... Đức Hiền lành thực là bông :

 

       “Hoa thơm, thơm lạ thơm lùng,

Thơm cây đến rễ, người trồng cũng thơm” (Ca dao).

 

Đâu có được bông hoa Hiền lành, đấy luôn là mùa xuân : Bầu trời trong xanh, khí hậu mát mẻ êm đềm. Sống trong ấy ai cũng khoan khoái thanh thản và thắm tình anh chị em. Khác hẳn nơi không có được bông hoa ấy, cuộc sống của họ với nhau nhiều lúc như cua trong giỏ. Đêm ngày họ những khẩn khoản xin cho được bông hoa ấy. Khi được, họ hân hoan thở phào nhẹ nhõm, như vừa trút được tảng đá bấy lâu nay ghì cổ họ xuống. Ai nấy nhìn nhau hớn hở tươi cười; và vì quá sung sướng nhiều người cười khóc lẫn lộn.

 

Đức Hiền lành là hoa đức Bác ái còn mang một ý nghĩa là nó phải phát xuất từ đức Ái mới là thứ thiệt, có phẩm chất siêu phàm . Không vậy chỉ là tính chất tự nhiên, nếu quá sẽ trở thành nhu nhược, nhát gan khờ khạo, hay lại giả bộ khúm núm ủy mị như dân bụi đi xin. Cũng có thể là chịu vậy dưới sức ép của quyền lực như phạm nhân đứng trước quan toà, hoặc như tù nhân đứng trước viên cai ngục.

 

Như vậy đức Hiền lành là dấu chứng Bác ái, đức Bác ái biểu lộ thực chất của đức Hiền lành .

 

Vẻ đẹp của đức Hiền lành là vẻ đẹp anh dũng, chứ không yểu điệu. Vì nhờ nó mà người hiền “điềm tĩnh bình thản không gì làm xáo trộn, kể cả lời nói tàn tệ, hành động hung hãn. Nó như núi đá giữa biển khơi, sóng nước đập vào đều bị tan vỡ, phần nó vẫn đứng trơ trơ” (St. Climaque). Nó là sản phẩm của sức mạnh tâm hồn, hay là chính sức mạnh tâm hồn hành động cách êm ả.

Sách Thẩm phán có lời : “Mật ngọt chảy ra từ miệng người anh dũng” (Jug. 14,14).

 

2. Để nên người hiền.

 

Đến đây ta biết được đức Hiền lành là một tập quán tự chế mãnh liệt để kìm hãm cơn nóng giận bực tức, trấn áp và trấn tĩnh chúng bằng sức mạnh ý chí. Ai đã tập luyện đức Hiền lành đều thấy rằng phải triển khai nghị lực ý chí nhiều mới hy vọng chiến thắng trong trận mạc vừa thâm sâu, vừa cam go và dai dẳng. Ta chỉ thủ đắc bằng cố gắng và kiên trì.

 

Ai cũng biết thánh Phanxicô Salêsiô gương sáng chói về đức Hiền lành.

Bẩm sinh ngài nóng nảy dễ giận. Cải đổi được tính khí ấy, ngài đã phải trả giá bằng 22 năm chăm chú chiến đấu và cầu nguyện. Trong giờ nguyện ngắm ban mai, ngài nhắc lại điều dốc quyết phải hiền lành. Tối đến trong giờ xét mình, nếu có lỗi phạm, ngài tự phạt mình cách nghiêm ngặt. Trải qua thời gian dài cương quyết, thánh nhân chỉ thu hoạch được đức Hiền lành sau khi đã dũng cảm vun xới mảnh đất tâm hồn, và gieo vào đấy hạt giống hy sinh đủ loại.

 

Phần ta cũng không thể nên người hiền bằng phương thế nào khác là đấu tranh quyết liệt, can đảm và kiên trì.

Có người viện lẽ : “Tính tôi nó vậy rồi thì làm sao bây giờ ?” Thế rồi họ buông thả, không làm gì cho tính khí nên quân bình hơn, sự liên đới với tha nhân nên nhẹ nhàng dễ chịu hơn và tình bác ái thấm nhuần Phúc Âm hơn.

 

Chúa Thánh Thần cho ta một dấu chỉ như là căn tính người công chính : “Người công chính sửa sang đường lối của mình” (Prov. 21,29). Đây Chúa không nói tội nhân, mà nói người công chính phải sửa sang đường lối của mình. Phải chăng Chúa ám chỉ hàng linh mục, những người được coi là công chính. Nên hơn ai hết linh mục được kêu gọi ráo riết làm việc sửa sang ấy. Dứt khoát Chúa phải ngự trị trong linh mục, và cần giáo dân phải biết và nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong linh mục qua cách sống hiền lành và khiêm nhường của ngài.

 

Lạy Chúa, xin ướp ngọt lời nói, hành động và mọi cách giao tiếp của con trong mật Hiền lành. Được nương náu trong đức Hiền lành, tâm hồn con luôn an toàn như “Bồ câu làm tổ trong hốc đá” (Cant. 2,14).

 

3. Thực hiện đức Hiền lành.

 

Sau khi đã tìm hiểu về bản chất và phương pháp tập luyện đức Hiền lành, nay nên suy nghĩ đến thực hiện làm sao cho khôn khéo.

Có bốn trường hợp cần phải thực hiện đức Hiền lành :

 

 - Trường hợp thứ nhất là khi bị nhục mạ khinh khi.

 Linh mục là người hình như đã được tiên liệu để luôn bị đả thương bằng trăm nghìn cách.

Thi hành nhiệm vụ ít khi linh mục thoát khỏi đắng cay. Lúc ấy cần biết lợi dụng để tập điềm tĩnh, và tỏ ra tâm hồn cao thượng bằng sự ở lặng và nhẫn nhục chịu đựng.

Một thánh nhân nói : “Bình tĩnh tiếp nhận lời lăng mạ có sức thuyết phục hơn việc hy sinh hãm mình nào khác ”. Bị lăng mạ tự nhiên cảm thấy như da thịt sục sôi lên. Lúc ấy vận dụng sức mạnh ý chí giữ được tâm hồn tĩnh lặng bình thản, đó là đức Hiền lành. Cuộc chiến đấu bên trong có khi thật gay go, nhưng sự xúc động đã được chế ngự, nên bề ngoài không tỏ dấu gì khác thường.

Để vững bước đi lên, tưởng nên nhìn theo gương Đức Kitô . Thuở bình sinh Đức Kitô lại đã không bị những người độc miệng gán cho đủ điều xấu đó sao ? Họ ghép Ngài vào cùng một duộc với phường tội lỗi, kết thân và ăn uống với chúng. Họ coi Ngài đã bị quỷ ám, dựa thế tướng quỷ mà trừ quỷ. Người đồng hương xem Ngài như kẻ điên khùng. Họ đã tính điệu Ngài lên sườn núi và đạp Ngài xuống vực thẳm cho chết đi.

 

Trước những hành vi xỉ vả ấy, Đức Kitô đã ứng xử khi thì bỏ qua và biến đi khỏi họ như nố xảy ra nơi người đồng hương (Lc 4,20-30). Khi thì Ngài vỗ nhẹ vào ức đoán của họ : “Quỷ mà chia rẽ nhau thì nước nó đứng vững sao được” (Mat 12,26), và “Nếu tôi dựa thế quỷ mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa vào thế ai mà trừ” (Lc 11,19). Khi thì Ngài lợi dụng để nói lên thanh thế và sứ mạng của Ngài : “Cũng như thầy thuốc không cần cho người khoẻ mạnh, mà cho người đau yếu. Tôi đến không để gọi người công chính mà để gọi người tội lỗi” (Mat 9,12-13). Sau đó Ngài quay lại nhắn nhủ các môn đệ : “Môn đệ không hơn thầy, đầy tớ không hơn chủ. Môn đệ được như thầy, đầy tớ được như chủ là tốt phúc lắm rồi.... Vậy nếu người ta đã gọi thầy là Béelzéboul thì phương chi là anh em” (Mat 10,24-25). “Thầy nói với anh em các điều đó để anh em yên tâm trong Thầy. Sống trong thế gian anh em sẽ chịu khổ nhiều. Nhưng anh em vững lòng cậy tin vì Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

 

 - Trường hợp thứ hai là khi phải mắng trách .

 

Hiện nay trong đạo muốn quyền hành được tôn trọng và tuân theo cách chân tình, quyền hành ấy phải được đức Hiền lành ướp dịu. Khi thi hành quyền bính, phải sử dụng tối đa luật điều hoà... Đức Hiền lành bảo vệ quyền bính, tính nóng giận phá hủy. Người ta làm hỏng mọi việc khi quá dựa vào quyền hành, để rồi làm cao làm kiêu, nghiêm khắc lạnh lùng gay gắt, nhất là lại kèm theo sự nổi khùng chua chát. Với tính cách ấy người thuộc quyền dễ bị bực tức, và có thể đi đến chỗ quá đáng. Pierre de Blois nói : “Bề trên sửa dạy mà nóng giận nghiêm khắc là việc làm xấu”.

 

 Ở đây tưởng nên theo ý kiến thánh Phanxicô Salêsiô : “Hiền lành có quá một tí còn hơn là khắc nghiệt”. “Là Giám mục của giáo dân, nhưng tôi thích tỏ mình là mẹ của họ hơn là Giám mục ”.

 

Về trường hợp này Phúc Âm kể hai ca nổi cộm :

 

a/ Bị cản đường lên Giêrusalem, mấy môn đệ nổi sùng : “Thầy cho phép chúng tôi khiến lửa trên trời phụt xuống thiêu rụi bọn này ”. Đức Kitô quạt nhẹ các ông : “Anh em không biết vì tinh thần nào mà ăn nói như vậy. Con Người không đến để tiêu diệt, nhưng để cứu sống” (Lc 9,54-56).

 

b/ Khi nghe Đức Kitô nói trước về cuộc tử nạn sẽ phải chịu, Phêrô kéo Ngài ra một bên nói nhỏ: “Thầy không thể chịu như thế được” (Mat 16,22). Với vẻ nghiêm nghị Ngài xua đuổi : “Lui lại, Satan, anh làm cớ cho Thầy bị vấp phạm ! anh chẳng nghĩ đến tư tưởng của Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ đến tư tưởng của loài người” (Mat 16,23). Đã rõ Đức Kitô không mắng Phêrô là Satan. Nhưng tư tưởng ông phát biểu là của loài người phát xuất từ Satan, nghịch hẳn với tư tưởng của Thiên Chúa muốn Con Người phải chịu nạn chịu chết để cứu chuộc nhân loại, nên phải thẳng tay và tức khắc gạt bỏ. Sau phút ấy Thầy trò lại nhắn nhủ nhau : “Ai muốn theo Thầy, phải bỏ mình, vác thập giá mình mà theo. Ai muốn bảo vệ mạng sống mình thì sẽ mất. Ai liều mạng sống mình vì Thầy sẽ được lại sự sống. Được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống thì có ích gì. Ai có thể lấy gì đánh đổi được sự sống ? Con Người sẽ đến trong vinh quang cùng với các thiên thần mà ban thưởng cho mỗi người tùy theo công việc của họ” (Mat 16,23-27).

 

 - Trường hợp thứ ba là khi phải từ chối.

 

 

Từ chối mà không gây buồn lòng là việc không dễ. Vì từ chối là gạt bỏ một ước vọng người ta ham thích, là đột nhiên dập tắt một mơ tưởng người ta ấp ủ, nên thường dễ gây mích lòng và phản kháng, không tỏ thì ngầm.

 

Điều người ta yêu cầu thường được coi là một ơn huệ, một đặc ân, nhưng biết đâu người ta còn cho đó là một quyền lợi của họ.

 

Người hiền lành chứa sẵn trong thâm tâm phương cách giảm nhẹ sự bất mãn của việc từ chối.

 

Người hiền lành thường mềm mỏng, giỏi co giãn lui tới, dễ làm cho việc từ chối mất đi sự cứng cỏi thiếu cảm thông. Kết quả là phủ dụ được đương sự nhận ra không phải vì khó, song lý đương nhiên buộc phải vậy : hoặc vì lợi ích chung riêng nào khác, hay phải phòng xa một bất tiện nào có thể xảy ra. Đồng thời cũng làm đương sự ý thức rằng : được như sở cầu mà không mắc mứu gì đến chuyện khác mới thật là vui.

 

Hôm ấy ba mẹ con Gioan và Giacôbê đến gặp Đức Kitô, bà mẹ lên tiếng : “Xin cho hai con tôi đây đứa ngồi bên tả đứa ngồi bên hữu trong nước Thầy. Đức Kitô đáp : Các người không hiểu điều mình xin. Các người có uống được chén Thầy sẽ uống không ? -Thưa, được”. Chúa dạy tiếp : “Thật các người sẽ uống chén Thầy, nhưng việc ngồi bên tả bên hữu Thầy không trong quyền Thầy mà do Cha Thầy sắp đặt..”. Rồi Ngài dạy chung các môn đệ : “Vua quan cai trị và ép dân phục vụ mình. Phần anh em không thế : ai làm lớn sẽ làm đầy tớ anh em, ai làm đầu sẽ làm tôi mọi anh em. Thầy đến không để được hầu hạ, mà để hầu hạ và phó mạng sống mình làm giá cứu chuộc mọi người” (Mt 20,20-28).

 

 . Trường hợp thứ bốn là khi cần phải phản kháng.

 

Trong câu chuyện bàn cãi người ta dễ đi đến khích bác đả phá nhau. Trái lại, vì đã thấm nhuần đức hiền lành Phúc Âm, linh mục phải luôn có thái độ dung hoà. Khi tranh cãi qua cửa miệng hay trên giấy tờ, ngôn từ phải ôn tồn lịch thiệp tôn trọng, mới chuẩn bị người ta đón nhận sự thật. Hùng hổ bài bác hay đả

phá thẳng thừng chỉ làm người ta xoay lưng lại.

 

Sau hết vì lý do thuận hoà, và nhất là khi sự việc không mấy quan trọng, tưởng nên nhường lời trước khi nó nổ thành chuyện đáng tiếc. Hy sinh trong dịp này không giảm giá chân lý hay quyền lợi, mà còn tránh được nhiều lầm lỗi khi nóng nảy bênh vực quan điểm của mình.

 

Trong dinh Caipha, Đức Kitô trả lời vị Thượng Tế tra hỏi về môn đệ và giáo lý Ngài dạy thì bị một người thuộc hạ Thượng tế tát và mắng : “Mầy dám đối đáp với vị Thượng Tế như vậy sao ?”. Đức Kitô điềm đạm nói với anh : “Nếu tôi nói sai, thì hãy chỉ chỗ sai ấy. Nếu tôi nói phải thì sao lại đánh tôi ?” (Jo 18,22-23).

 

Xem cách Đức Kitô ứng xử trong các trường hợp thấy dịp nào Ngài cũng luôn là mình : hiền hậu bao dung. Gặp kẻ lỗi phạm Ngài không la mắng, song khôn khéo bênh vực và tìm cách cứu gỡ. Gặp cây sậy giập, Ngài không bứt bẻ đi mà bó táp cho nó tiếp tục sống. Gặp ngọn đèn leo lét, Ngài không phụt tắt đi, song Ngài châm thêm dầu và khêu bấc lên cho nó cháy sáng.

Cũng trong những trường hợp tương tự, có người anh em tôi thi hành biện pháp 3L :

 . Trước thì dùng Lý

. Lý không được thì La

. La không được thì Lờ.

 Nhưng ghép vào khuôn mẫu của Đức Kitô trên đây thấy không khít và còn bị hụt.

Người anh em khác cũng sử dụng biện pháp 3L ấy, nhưng có sự sửa đổi ở hai phần sau :

 . Trước hết dùng Lý

. Lý chưa được thì Lay (nhắc hoài)

 . Lay không được thì Lạy .

 

Hẳn người anh em này đã biết chuyện Đức Cha Mugnagori Trung, người Tây Ban Nha, Giám mục Bùi Chu trước Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn. Truyện kể rằng : Khi cha Trung làm cha xứ Thái Bình, một cụ Annam ở xứ xa Tỉnh, dây dưa vào vụ cách mạng chống Pháp. Cụ bị bắt và giam tại khám Thái Bình. Cha Trung đi gặp viên chánh sứ Pháp biện hộ và đòi trả tự do cho cụ. Đi lại nhiều lần không có kết quả, mặc dầu đã nhờ cả bà vợ ông nói giùm. Lần chót ngài vào dinh gặp bày biện với cả hai ông bà, nhưng vẫn bị từ chối. Bất chợt ngài quỳ xuống cúi mình sâu lạy van. Quá ngỡ ngàng và xúc động, hai ông bà vội đỡ ngài lên, và nhận lời lo gấp cho cụ được về.

 

Vì thương các linh hồn, có trường hợp cũng phải tự huỷ mình đến thế. Nhưng một mối lợi rất quí đang chờ ở phiá trước là cũng như “Môisen được Chúa thương và người ta mến” (Eccli 45,1)

 

 

 

 

 

Lm. Goakim Mai Xuân Triết

Theo tài liệu tĩnh tâm linh mục Gp. Long Xuyên

 

 

 

HƯỚNG DẪN ĐỌC KINH THÁNH  :

 

Cựu Ước

 

 

Bài 3

 

 

 ĐỌC VÀ NGHIÊN CỨU MỘT BẢN VĂN

 

 

 Ta phi phân bit đc mt bn văn và nghiên cu bn văn y.

 Đọc mt bn văn là bt nó phi cho ta mt ý nghĩa cho ngày hôm nay. Đây là điu chúng ta quen làm. Ta thường nói "đó là điu bn văn mun nói vi tôi... điu đánh đng tôi trong bn văn ny là...". Đọc như vy thì rt d. Nhưng cũng có nguy him bi vì làm sao ta có th bt bn văn nói lên bt c điu gì ? Vì thế mà cn phi nghiên cu.

 Nghiên cu tc là làm vic trên bn văn bng nhng phương pháp phân tích, nhm mc đích giúp ta thy rng có mt khong cách gia chúng ta vi bn văn khiến ta không th bước vào bn văn mt cách trn vn. Vì thế không nên liu lĩnh gii thích nó theo cm quan và tâm lý ca ta. Nghiên cu cũng buc ta phi đc bn văn tht sát. Có nhng bn văn ta biết rõ (hoc tưởng là biết rõ), chng hn nhng bn văn Tin mng, đến ni chúng ta không phi "đc", mà ch nhìn lướt qua chúng, ri lp li ý nghĩa mà ta thường nghe nói v chúng (mt thí d : khi đc Lc 2,1-20 người ta thường nói "đó là chuyn các mc t đến th ly Chúa". Nhưng bn hãy đc k bn văn y xem, bn s thy rng các mc t đến không phi đ th ly mà ch là đ "ging" cho Đức Maria nghe !).

 Hai phương pháp phân tích :

 Trước mt bn văn chúng ta thường s dng hai loi phương pháp nghiên cu. Xin ly mt thí d đơn sơ :

Bà cô ca bn viết thư cho bn. Khi đc thư bn thy được bà qua ý tưởng ca bà, và bn gii nghĩa bc thư theo nhng gì bn đã biết v bà. Gi s có đon bà than phin, nếu như bn biết bà có tính hay than phin luôn thì bn chng quan tâm, bn ch nói : "bà y vn là như vy mà" ; trái li nếu bn biết bà là người rt nghiêm khc vi bn thân thì bn s nói : "bà mà than phin thì chc chn là bà đang bun kh lm". Hoc hơn na, nếu trong thư có mt câu công kích đám tr hay mt nhóm xã hi bn s nói : "bà ta thuc thế h xưa ri nên không th thông cm vi ngày nay". Tc là bn đã đi ra khi bc thư đ hình dung bà cô ca bn, và t cái hình dung y bn tìm hiu xem bà cô mun nói gì.

Cũng thế, bn đang đc mt bn văn và gp mt đon khó hiu. Bn ngng đc mt lúc đ tìm hiu ý nghĩa, bn phân tích ng pháp. "Động t đâu? Ch t đâu? Túc t đâu...?", sau đó bn đc li bn văn đ tìm cho nó mt ý nghĩa. Cũng có th xy ra là bn thy bc thư bt đu vi ging bi quan nhưng kết thúc cách lc quan. Bn đc li bc thư đ xem cái gì đã khiến ging điu thay đi như thế. Trong trường hp này, bn không ra khi bn văn nhưng bn tìm hiu trong chính bn văn.

Đó là hai cách nghiên cu mt bn văn, các chuyên viên đã s dng chúng và hoàn chnh chúng. Dưới đây ta s xem h đã s dng chúng như thế nào.

 

 I. PHÂN TÍCH LCH S :

 Khi đọc bức thư của bà cô, bạn đặt câu hỏi "bà muốn nói điều gì đây ?", và để trả lời, bạn đặt bức thư vào đời sống hiện tại hoặc quá khứ của bà.

Đó cũng là câu hỏi chúng ta đặt cho một bản văn Thánh kinh : "Luca muốn nói gì? Tác giả sách Sáng thế muốn nói gì?".

 Nhưng sự việc hơi phức tạp hơn. Phần bạn thì đã hiểu rõ bà cô của bạn. Nhưng chúng tôi thì không hiểu bà ; nếu tôi đọc bức thư ấy, tôi sẽ dựa vào chữ viết, vào những câu ám chỉ và tâm trạng bà biểu lộ để đoán bà bao nhiêu tuổi, môi trường sống như thế nào, muốn nói những gì v.v... nghĩa là từ hình dung mà tôi tạo ra về một con người, tôi sẽ giải thích bức thư của người ấy. Tôi phải biết rằng làm cách đó thì có phần mạo hiểm : vì tôi tạo ra một con người từ một bản văn, thế rồi sau đó tôi giải nghĩa bản văn từ hình dung về con người ấy.

Cũng tương tự như vậy, chúng ta chỉ biết Luca và tác giả sách Sáng thế qua những bản văn của họ. Do đó phải tiến hành cách thận trọng và không ngừng kiểm tra điều ta xác định.

 

 1) Làm thế nào để đặt tác giả vào môi trường của ông ?

 Việc nầy rất dễ đối với trường hợp bà cô vì bà thuộc thời đại của chúng ta. Dù vậy trong thư bà có nói tới trận đại chiến 14-18 thì tôi phải liên hệ với những gì tôi đã biết về cuộc chiến ấy. Đối với các sách trong Thánh kinh thì lại càng khó hơn nữa vì chúng được viết cách nay hai ba nghìn năm. Để đặt chúng vào môi trường, ta cần lưu ý những điểm sau:

- Tìm hiểu lịch sử dựa vào những gì được viết trong Thánh kinh, nhưng cũng phải dựa vào những tư liệu của các dân khác.

- Tìm hiểu văn chương thời đó : những người Do thái thời lưu đày bên Babylone đã dựa vào những huyền thoại vùng Lưỡng Hà Địa để trình bày tư tưởng của họ ; những người Do thái thời Đức Giêsu có những cách thức riêng để diễn giải một đoạn sách thánh...

- Tìm hiểu khoa Khảo cổ : thành Giêricô đã điêu tàn khi Giôsuê chiếm nó ; đã tìm thấy ở Giêrusalem một ao nước có 5 cửa mà Tin mừng có nói tới...

Dĩ nhiên những việc trên dành cho các chuyên viên. Nhưng cũng may là họ đã tốt bụng cho chúng ta được biết những kết quả vững chắc nhất mà họ đã tìm ra. Bạn có thể đọc chúng trong rất nhiều tác phẩm nổi danh, nhất là trong những bài dẫn nhập và những ghi chú trong ấn bản Thánh kinh (nhất là TOB và BJ).

 

 2) Làm thế nào để đặt một bài tường thuật vào môi trường của nó ?

 Chúng ta hay tưởng rằng tác giả của một bài tường thuật cũng giống như một chiếc máy ghi âm. Khi mở máy ra ta sẽ nghe lại chính xác những sự việc và những lời nói đã xảy ra. Sự thật không phải vậy : tác giả vừa thuật sự việc, vừa phản ánh sinh hoạt của ông và của thời đại ông. Hãy lấy vài thí dụ :

Luther đã sống vào thế kỷ XVI. Ta hãy đọc hai quyển sách đều của người Công giáo viết về ông. Một quyển viết khoảng năm 1900 và một quyển mới viết. Quyển thứ nhất viết đại khái như sau : Luther là một thầy tu hồi tục, đi quyến rũ một nữ tu, và do tính kiêu căng, ông đã đưa Âu châu và Giáo hội vào vòng máu lửa... Còn quyển thứ hai thì viết đại khái : Luther cũng có những yếu đuối như bất cứ ai trong chúng ta, nhưng ông là một tu sĩ rất say mê Thiên Chúa, luôn nghĩ đến việc cứu độ các linh hồn ; ông thấy rằng Giáo hội cần phải canh tân và trở về nguồn Thánh kinh ; tiếc thay ông đã bị loại ra khỏi Giáo hội... Trong hai quyển sách ấy, chúng ta được biết nhiều điều về Luther, nhưng nhất là ta thấy được tinh thần đại kết của những người Công giáo vào năm 1900 và vào thời đại bây giờ khác xa nhau đến chừng nào !

Cũng như cặp vợ chồng già kia thuật lại cuộc hôn nhân của họ vào buổi chiều ngày lễ vàng hôn phối. Muốn hiểu, tôi phải đặt lại cuộc hôn nhân này vào bối cảnh năm 1940, nhưng cũng phải đặt nó vào bối cảnh năm 1990 nữa. Bởi vì họ thuật chuyện theo ánh sáng của cả năm 1940 lẫn của năm 1990.

Cũng thế tác giả Thánh kinh thuật chuyện Abraham, nếu ông viết trong thời thịnh vượng của Đavít thì ông sẽ viết không giống như nếu ông viết 500 năm sau đó lúc đang bị lưu đày bên Babylone. Những lời nói của Đức Giêsu phải được hiểu theo ánh sáng lịch sử của những năm 30, nhưng cũng phải theo ánh sáng của sinh hoạt các giáo đoàn vào những năm 80 hoặc 90 là những giáo đoàn đã viết ra chúng.

Tóm lại : khái quát lộ trình của phương pháp phân tích lịch sử là : đặt một bản văn trở lại vào lịch sử của nó để có thể thấy được tác giả muốn nói gì (người ta cũng gọi phương pháp này là "lịch sử/phê bình" nghĩa là có phần phê bình riêng trong khi đặt bản văn trở lại vào lịch sử).

 

 3) Phân tích duy vật :

 "Đấy là một cách phản ứng của môi trường" chúng ta nghĩ thế khi đọc một câu trong bức thư của bà cô. Nghĩa là khi chúng ta nói, chúng ta tưởng là chúng ta đang nói, nhưng thực ra là chính môi trường và nền giáo dục của chúng ta nói qua chúng ta.

Phương pháp phân tích duy vật đặt bản văn trở lại vào lịch sử của nó vì cho rằng bản văn là sản phẩm của những điều kiện xã hội, kinh tế và chính trị của thời đó.

 

 II. PHÂN TÍCH CƠ CẤU :

 Ta dùng lại thí dụ bức thư của bà cô. Trước một câu khó hiểu, ta dừng lại một lúc để sắp xếp những yếu tố của câu ấy (chủ từ, động từ, túc từ v.v...) nhờ đó ta sẽ hiểu được ý nghĩa của câu.

Từ đầu thế kỷ XX, một khoa mới đã sinh ra, đó là khoa Dấu chỉ học (sémiothique: từ chữ Hy Lạp sémeion nghĩa là "dấu chỉ"), nhằm nghiên cứu ý nghĩa những dấu chỉ trong các yếu tố của ngôn ngữ. Các chuyên viên khoa nầy cho biết rằng ngoài ngữ pháp của câu, còn có ngữ pháp của bản văn nữa. Khi viết một câu ta phải để ý tới những quy tắc ngữ pháp, và khi viết cả một bài, ta cũng phải để ý tới những quy tắc ngữ pháp ấy (về thể loại thư tín, tường thuật v.v...).

Một trong những nét đặc thù của phương pháp nầy là : với phương pháp phân tích lịch sử, ta ra khỏi bản văn để giải nghĩa nó theo ánh sáng của điều tác giả muốn nói ; còn với phương pháp phân tích cơ cấu này, ta không ra khỏi bản văn, nhưng nghiên cứu trong chính bản văn và không cần quan tâm tới những ý hướng của tác giả ("tác giả đã chết !"). Ta mổ xẻ bản văn đủ mọi khía cạnh, nhưng đồng thời phải quên đi những gì ta đã biết trước về bản văn, phải gạt sang một bên điều mà ta muốn tìm, để chỉ tập chú vào một mình bản văn. Vì thế phương pháp nầy rất khách quan.

Một nhóm người đi dạo trong rừng. Có người thích nấm nên chỉ thấy nấm, đối với anh, rừng chỉ toàn là nấm ! Thế nhưng bạn của anh không thích nấm nên chẳng thấy nấm gì cả mà còn đạp nát chúng. Đối với anh nầy, rừng là chim, là cây, là đá, là hoa v.v... Cũng thế, khi chúng ta đọc một bản văn, thì một cách vô thức ta đã có sẵn một ý tưởng : chẳng hạn ta muốn tìm trong bản văn một lời khuyên, một trợ lực. Rồi ta mải mê tìm điều đó và chỉ thấy mỗi điều đó. Chính vì thế mà rất nhiều khi chúng ta không hiểu nhau. Giả sử như nhóm bạn kia khởi sự tham quan tổng quát toàn khu rừng và mở mắt quan sát tất cả nào nấm, nào chim, nào cây, nào hoa, nào đá... Sau đó, nếu ai thích thì làm một đợt tham quan thứ hai, người xem nấm, kẻ xem chim v.v... thì họ sẽ không nói rằng : "rừng chỉ toàn là nấm" hay "rừng chỉ toàn là chim".

 Ích lợi của phương pháp phân tích cơ cấu, dù chỉ được sử dụng một cách rất thô sơ, là buộc chúng ta phải khảo sát bản văn dưới càng nhiều khía cạnh càng tốt, đồng thời quên đi quan điểm riêng có trước của chúng ta, để tập chú vào một mình bản văn. Sau đó ta có thể trở lại xem xét một khía cạnh nào đó, nhưng vẫn biết rằng còn có những khía cạnh khác nữa.

 

 III. MỘT DỤ NGÔN :

 

 Bây giờ ta hãy dùng một dụ ngôn để tóm lược những điều vừa nói trên. Tôi và một người bạn nghe một đĩa nhạc giao hưởng của Mozart. Mỗi người trong chúng tôi nghe khác nhau : tôi thấy bản nhạc ấy vui, còn bạn tôi lại thấy nó buồn. Đó là vì mỗi người nghe theo tâm trạng của mình lúc đó và phả tâm trạng mình vào bản nhạc : "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

 Vì cách giải thích của chúng tôi quá khác biệt, cho nên để đi đến nhất trí thì chúng tôi phải nghiên cứu. Chúng tôi lấy một đoạn nhạc và nghiên cứu những nhịp, những lúc nhạc cụ này, nhạc cụ nọ nhập cuộc... Sau đó chúng tôi mở một quyển sách viết về Mozart để tìm hiểu xem ông muốn thể hiện gì qua bản giao hưởng ấy. Với hai phương pháp ấy, chúng tôi khám phá rất nhiều điều, loại trừ đi rất nhiều giải thích cá nhân chủ quan. Thật là hay. Tuy nhiên một bản giao hưởng được viết ra không phải để được nghiên cứu, mà để được nghe !

Vì thế chúng tôi mở máy ra nghe lại lần nữa. Việc nghiên cứu trước sẽ giúp chúng tôi nghe hay hơn, nhưng bây giờ chúng tôi tạm quên đi những gì đã nghiên cứu mà chỉ thả hồn lắng nghe thưởng thức bản nhạc. Chúng tôi tìm được một cảm hứng mới cho cuộc đời. Đây mới là điều chủ yếu.

Trong dụ ngôn trên, bạn thay chữ "nghe" bằng chữ "đọc", thay "bản nhạc" bằng "quyển sách" thì bạn sẽ có được điểm cốt yếu mà chúng tôi muốn nói với bạn trong bài nầy.

 

 

 "HỘP ĐỒ NGHỀ"

 

 I. TIẾP XÚC SƠ KHỞI :

 Hãy đọc bản văn. Ghi ra những phản ứng tự nhiên bộc phát: điều gì đánh động bạn, điều gì làm bạn thích, điều gì làm bạn ngạc nhiên, điều gì làm bạn thắc mắc...

 

 II. NGHIÊN CỨU BẢN VĂN :

 1) Chính bản văn :

 Hãy đọc lại bản văn, nhưng đừng để ý tới những ghi chú của quyển Thánh kinh. Nếu bản văn không dài quá thì hãy chép ra. Hãy tìm (nếu cần thì dùng những bút chì màu gạch dưới):

- Những từ hoặc nhóm từ lặp đi lặp lại tương ứng nhau, đối nghịch nhau...

- Những vai (nhân vật hoặc sự vật) : chúng làm gì ? nói gì ? điều gì xảy ra cho chúng ?

- Những nơi , những sự di chuyển : một số nơi có liên hệ đặc biệt với một nhân vật hay một ý tưởng nào đó không ?

- Những thì của các động từ, những chỉ dẫn khác...

Dựa trên những chi tiết vừa khám phá, bạn hãy tìm xem điều gì đang diễn ra trong bản văn ai (hoặc cái gì) làm hoặc tìm ai (hoặc cái gì) giúp cho việc làm hoặc cuộc tìm kiếm đó ? Ai (hoặc cái gì) cản trở việc ấy ? để ý xem có biến chuyển nào không từ đầu cho tới cuối bản văn : biến chuyển của ai (của cái gì) ? biến chuyển thế nào ? biến chuyển qua mấy giai đoạn ? biến chuyển nhờ ai (hoặc nhờ gì) ?

 

 2) Đặt bản văn vào văn mạch :

 Bản văn này thuộc về một chương, một phần, một quyển sách ? chỗ đứng của nó trong văn mạch ra sao ? nó mang lại điều gì cho văn mạch ?

 

 3) Đặt bản văn vào thời của nó :

 Bây giờ bạn dùng những bài dẫn nhập và những ghi chú của quyển Thánh kinh để trả lời những câu hỏi sau đây :

- Bản văn này được viết vào thời nào ? hoàn cảnh của dân tộc hoặc của tác giả lúc ấy ra sao ?

- Một số từ hoặc nhóm từ có mang một ý nghĩa đặc biệt nào không vào thời đó ?

- Bản văn này thuộc văn thể nào ?

- Thời đó có những bản văn nào tương tự không trong Thánh kinh hoặc ngoài Thánh kinh : bản văn Cựu ước này có nói lại những chủ đề Thánh kinh không ? Hãy nói lại những chủ đề quen thuộc của văn chương Ai cập hoặc Lưỡng Hà Địa ? những điểm nào giống nhau và khác nhau ? bản văn này của Tân ước có nói lại những chủ đề Do thái của thời Đức Giêsu không ? hay của những bản văn Cựu ước ? trong trường hợp này nó được soi sáng nhờ những bản văn ấy thế nào ?

- Nếu trong Thánh kinh có những bản văn tương tự, nhất là đối với các sách Tin mừng (bạn hãy xem những quy chiếu in bên lề trang sách Thánh kinh), bạn hãy so sánh chúng : những điểm nào giống nhau và khác nhau ? những điểm ấy có giúp bạn hiểu bản văn rõ hơn không ?

- Bản văn này được viết bởi một giáo đoàn và cho một giáo đoàn. Vậy ai nói với ai ? nhằm trả lời cho câu hỏi nào ?

 

 4) Kiểm tra :

 Xem lại những câu hỏi ban đầu: bạn có thể trả lời chúng không ?

 

 III. ĐỌC BẢN VĂN :

 Bây giờ bạn bỏ sang một bên những gì đã nghiên cứu được, và cả cái "hộp đồ nghề" nữa. Bạn đọc bản văn : nó nói gì với bạn ? nó giúp gì cho cuộc sống bạn ?

 

 

 Etienne Charpentier

 

 POUR LIRE L’ANCIEN TESTAMENT

 

Nxb Les Éditions du Cerf, Paris, 1990

 

 Lm Carôlô HỒ BẶC XÁI chuyển dịch

 Đại Chủng Viện Thánh Quý

 

 

 

 

Text Box: TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

  

 

 

 

 


 

Giáo dục con cái :

 

TÌM SỰ GIAO THOA GIỮA CHA MẸ - CON CÁI.

 

Công nghệ thông tin phát triển mạnh, mà tuổi trẻ càng nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin, thích nghi với cái mới, nên nhiều cha mẹ rất “lạc hậu” hơn so với con cái. Mặc dầu con cái vẫn yêu kính cha mẹ, nhưng các cháu vẫn muốn cha mẹ thức thời, không bảo thủ. Càng yêu quý cha mẹ bao nhiêu, các cháu càng muốn cha mẹ không lạc hậu với bước tiến của thời đại bấy nhiêu !

 

Điều đáng mừng là càng ngày càng có càng nhiều bậc cha mẹ tỏ ra nhạy cảm, rất thức thời, chịu khó lắng nghe, tôn trọng và bao dung với quan điểm của con cái. Nhờ vậy, hàng rào tâm lý ngăn cách giữa hai thế hệ dần dần được tháo gỡ, tạo nên sự cảm thông, chia sẻ giữa cha mẹ và con cái. Từ đó, con cái tìm thấy sức mạnh, niềm tin, chỗ dựa tinh thần để tăng thêm nghị lực trong việc dấn thân vào tương lai, nhập cuộc với dòng chảy mới.

 

Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra tình huống cha mẹ - con cái không cảm thông được với nhau. Khi đó, cha mẹ ngoảnh mặt làm ngơ để mặc con cái tự xoay xở…tự vấp váp, tự rút kinh nghiệm. Đối nghịch lại, con cái cũng bất cần cha mẹ, bất chấp các lời khuyên và cả kinh nghiệm sống từ cha mẹ, để bướng bỉnh một cách liều lĩnh. Trong hoàn cảnh như thế, việc giáo dục gia đình xem như thất bại !

 

Hạnh phúc chỉ có được trong những gia đình có sự giao thoa giữa cha mẹ và con cái ; cha mẹ quan tâm nhưng không áp đặt mà biết lắng nghe, chia sẻ và bổ sung, năng đỡ con cái, giúp con cái tự bước đi trên đôi chân của mình.

 

Ngược lại, con cái cũng biết lắng nghe, nương tựa vào cha mẹ, trân trọng vốn sống, kinh nghiệm và tấm lòng yêu thương của cha mẹ, luôn biết làm vui lòng cha mẹ.

 

Mối quan hệ cha mẹ với con cái là mối quan hệ xã hội đầu đời, mang tính “mở hàng“cho tất cả mối quan hệ khác còn lại. Mở hàng suôn sẻ, mọi mối quan hệ còn lại sẽ thuận lợi theo.

 

Thạc sĩ giáo dục Võ Văn Nam

Theo báo Phụ nữ TPHCM

 

 

TÍNH TỰ CHỦ VÀ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

 

 

Con người tri vượt lên nhng đng vt khác vì có kh năng làm ch và kh năng sng yêu thương. Tùy theo kh năng làm ch ca bn mà bn có được yêu hay không, vì tình yêu luôn cn đến yếu t t do, t do tc là không nô l, t do phi đi đôi vi vic làm ch. Nói cách khác, bn ch có th thc s sng t do khi bn làm ch được bn năng ca mình, vì khi nô l cho bn năng bn đã mt t do. Có bn ng nhn cho rng tôi thích sng t do, tôi t do nghin hút, t do quan h sinh lý trước hôn nhân, nhưng thc s bn đó đang sng nô l cho bn năng mc du đã nhìn trước được hu qu bi đát ca nó. Vì thế, nn giáo dc nhân bn ca bt c mt quc gia nào cũng đu khc sâu vào tâm trí con người là không được buông trôi theo bn năng, nghĩa là biết nói không vi điu xu. Mun thế, chúng ta phi luyn tp cho mình thói quen biết s dng t do, đó là thói quen làm ch thái đ, làm ch li nói và làm ch cm xúc ca mình.

 

 1. Làm ch thái đ

 

Mt anh chàng phàn nàn: v em đp như đóa hng, có năng lc làm vic rt thành công, nhưng mi khi không va ý là cô y hung d bn gt như sư t Hà đông. Nhng lúc như vy em thường b nhà đi ra ngoài. Nhưng nhn làm sao mãi được.

 

Mt ch v cũng than phin: chng em rt chu khó, có tinh thn trách nhim cao nhưng anh y luôn lm lì, hi đến thì cau có quát mng, em rt s: trong khi đó cơ quan em có người rt t tế yêu chiu em…

 

Nhiu người t hi: mình sng rt trung thc và nhit tình, nhưng làm sao vn không được yêu. Nhà giáo dc không được hc trò mến phc, cp trên không được cp dưới kính n, cha m không được con cái yêu quí, người mình yêu li không yêu mình.

 

Tôi thường đ ngh các bn hãy kim li thái đ ca mình, có th bn hay nhăn mt, cau có khi gp trái ý, có th bn vi ni gin khi b xúc phm. Tt c đu do bn thiếu t ch, làm cho người khác s không dám đến gn, không dám kết thân, và ri càng b cô lp, bn li càng khó tính.

 

2. Làm ch li nói

 

Mt bn gái có ngoi hình rt đp, thông minh có cá tính mnh nhưng rt bun vì không được yêu mc dù đã sp 30 tui. Bn k rng lúc mi quen, bn trai rt thích em nhưng ch sau mt thi gian li nói vi em rng anh rt s người khôn quá như em. Qua trao đi tôi thy bn đó rt tt, có năng lc làm vic và tâm hn trong sáng, nhưng bn y có mt yếu đim là tính hiếu thng. Mc du bn y sng rt thng thn, trung thc nhưng vì thiếu t ch, nên thường vi phn ng, làm pht lòng người nói chuyn vi mình vì h cho rng h không được tôn trng. Đây là điu mà các bn gái thông minh cn lưu ý.

 

Thc tế, tính t ch rt quan trng, t ch làm nên phm cách ca mt người, làm tăng v đp t nhiên và năng lc cho người y. Nh t ch, bn gìn gi được tình yêu và hnh phúc trong gia đình vì bn có mt thái đ bình tĩnh, khôn ngoan đ gii quyết được vn đ và chinh phc được đi tượng.

 

 3. Làm ch cm xúc

 

Các bn tr khi mi có cm xúc đu tiên vi người nào không nên vi t tình, vì đi tượng s nghĩ rng bn là người bng bt hay là anh chàng bm mép, bn chưa biết rõ bn đó mà đã nói li yêu thương thì bn yêu thương cái gì đây. Khi hai bn đã yêu nhau, nhưng còn trong thi gian tìm hiu, nếu trong lúc đi chơi bên nhau có nhng giây phút rung đng mãnh lit, và bn trai đòi hi bn n, bn n s đt vn đ v nhân cách bn trai, tình yêu ca bn đó tht hay gi. Ngược li, nếu bn gái d dãi quá, bn trai cũng gim bt lòng tôn trng cho đến lúc coi thường và chia tay.

 

Nhiu bn gái không mun bn trai vượt qua ngưỡng, nhưng khi bn trai đòi hi quá không biết phi đi phó làm sao? Lo s rng nếu không cho, anh y nói rng không yêu anh y và s b mình. Ý kiến bn thế nào? Theo tôi, các bn đng ht hong lo lng. Hãy t ch – bình tĩnh gii thích. Nếu không được, đng tiếc mt người không làm ch được bn năng. Vì mt người không có kh năng làm ch thường b nô l cho bn năng. Vì thế h khó có được đc tính chung thy.

 

Tóm li, tính t ch th hin được phm cách ca con người, có th luyn tp được nh giáo dc và nhng gương tt trong gia đình. Vì thế, vai trò ca gia đình rt cn thiết trong vic luyn tp thói quen biết t ch cho con. Yêu chiu con không có nghĩa làcho con được làm mi đỉều con thích, nhưng nên kiên nhn gii thích cho con nhng điu tt xu, giúp con thc hin nhng điu tt và biết nói không vi điu xu. Đối vi các bn tr được ln lên trong gia đình có giáo dc, các bn hãy biết cám ơn ba m vì nh đó mà mình có th phát trin nhân cách là yếu t cơ bn đ được yêu thương và hnh phúc.

 

 

Phm Th Oanh

 Chuyên viên tâm lý giáo dc và tình yêu hôn nhân gia đình

 

 

Text Box: ĐỌC SÁCH

 

 

 

CÔNG DUNG NGÔN HẠNH

CỦA LINH MỤC CHÚA KITÔ

 

 

Đức thứ ba :





NGÔN (Ăn nói lịch sự)


Ngôn là lời nói mà chắc chắn là lời nói lịch sự và dễ nghe chứ không khó nghe như có nhiều người đã dùng nó để chọc cười, để chửi hoặc để thoá mạ người khác.


Chúa Giêsu là Ngôi Lời đã làm người, Ngài là Lời của Chúa Cha và lời Ngài nói là Chúa Cha nói, việc Ngài làm là làm theo ý của Chúa Cha, chỉ giảng dạy ba năm nhưng Ngài đã chuẩn bị ba mươi năm trong gia đình Nagiarét, chỉ giảng dạy có ba năm mà Ngài đã giáo huấn và dạy dỗ rất nhiều người tin và theo Ngài, tại sao vậy ? Thưa vì Chúa Giêsu đã nói Lời của Thiên Chúa, đã giảng lời sự thật và nhất là chính Ngài đã sống như lời Ngài giảng.


Linh mục là Chúa Kitô thứ hai được xức dầu tấn phong để trở nên người nói lời của Thiên Chúa, giảng dạy cho mọi người biết và tin theo Tin Mừng của Chúa Giêsu, cho nên lời của linh mục giảng dạy là lời của Thiên Chúa, lời của linh mục nói thì luôn là sự thật và làm mát lòng người nghe, lời linh mục rất có quyền năng khi đọc lời truyền phép bánh miến và rượu nho trở nên Mình và Máu thánh của Chúa Kitô.

Thưa các bạn,


Các bạn nghĩ coi, nếu một người bình thường ăn thô nói tục thì người ta đã chịu không nổi, đôi lúc khinh thường và cho đó là người mất dạy, vô giáo dục, hoặc là những đứa bụi đời lang thang đầu đường xó chợ, còn nếu một linh mục mở miệng ra là chửi thề, ăn nói cộc cằn thô lỗ thì người ta nghĩ như thế nào và nói sao nhỉ ???


Một người vợ dịu dàng và nết na không phải chỉ trong thái độ cử chỉ nhưng cả trong lời nói nữa, lời nói của nàng nhẹ nhàng và reo vang như khúc nhạc khiến cho chồng nàng thích thú yêu thương, lời nói của nàng nhẹ nhàng và rất có hiệu quả khi dạy dỗ bảo ban con cái của mình, bởi vì lời nói nhẹ nhàng thì có sức mạnh hơn cả trăm cái bạt tai...


Ngôn là lời nói, không những nhẹ nhàng dễ nghe mà còn là lời nói trung thực phát xuất từ trong một tâm hồn hiền lành thật thà và thấm nhuần tinh thần tu đức kính Chúa yêu người.


Linh mục của Chúa Kitô trong vai trò là mẹ của giáo dân, các ngài cũng sẽ luôn hiền lành và nhẹ nhàng trong cách nói năng để dạy dỗ giáo dân của mình, chứ không phải là một dì ghẻ mỗi lần lên toà giảng là hết mắng chửi người này đến phê bình người kia, làm cho con cái (giáo dân) nản lòng nản chí không muốn đi nhà thờ nữa.


Ngôn là nói Lời Thiên Chúa.


Linh mục là người được đặt tay để trở thành người phát ngôn chính thức Lời của Chúa, nghĩa là các ngài có bổn phận loan truyền Lời Chúa cho mọi người thuộc mọi dân tộc và mọi quốc gia trên khắp thế giới, đó không những là bổn phận mà còn là sứ mạng cao cả của các linh mục khi các ngài được Giáo Hội -qua Giám Mục- kêu gọi và đặt tay xức dầu thánh hiến.


Cho nên lời của các linh mục luôn là lời đem lại bình an và động viên người ta yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân.


Được vinh dự là người phát ngôn chính thức Lời của Thiên Chúa, các linh mục cần phải suy tư, đào sâu và sống Lời Chúa để có “chất” mà giảng dạy cho giáo dân nghe và sống Lời Chúa như mình, các ngài là những thầy dạy người ta về chân lí của sự sống đời đời là Chúa Giêsu Kitô, cho nên các ngài không thể lãng phí thời gian vào các bộ phim hoặc những quyển tiểu thuyết không đem lại ích lợi cho việc đào sâu và thực hành Lời Chúa.


Có một vài linh mục có thói quen tốt một ngày đọc vài hàng tin tức trên báo chí, trên internet để biết tin tức thế giới và Giáo Hội, đọc một quyển sách thiêng liêng và suy gẫm để có chất liệu giảng dạy cho giáo dân, những linh mục này là kì vọng của giáo dân và là niềm hãnh diện cho Giáo Hội, bởi vì nơi các ngài đời sống thánh thiện và tinh thần cầu tiến đã trở thành sức hấp dẫn người khác đến với Chúa Giêsu.

Ngôn nơi toà giảng


Toà giảng là nơi công bố và giảng dạy Lời Chúa cho nên nó rất quan trọng, tầm quan trọng này đến mức nào thì các linh mục chắc chắn hiểu rõ hơn những người khác, nó quan trọng đến mức mà Giáo Hội cấm những người không phải là linh mục được giảng trên toà giảng trong khi cử hành thánh lễ dù họ là tiến sĩ hay là nhà bác học lừng danh thế giới, dù họ là ông tổng thống hay bà bộ trưởng...


Nơi toà giảng, ngôn từ của linh mục thật đặc biệt và cao quý bởi vì giờ đây không còn phải là lời của các ngài nữa, nhưng là lời của Chúa Thánh Thần nói qua miệng của các ngài để giáo dân hiểu và sống đúng lời dạy của Thiên Chúa, và nơi đây -toà giảng- Lời Chúa trong bài Tin Mừng được vang ra từ miệng và từ tâm hồn của linh mục để đến nơi từng tâm hồn của các tín hữu đang hiện diện và đang lắng nghe Lời Chúa qua vị mục tử của mình, họ hân hoan phấn khởi lắng nghe và suy tư những gì mà linh mục chia sẻ với họ, họ vui mừng vì những thắc mắc trong đời sống đầy lo âu đã được linh mục -qua bài giảng- nói cho họ nghe và họ an tâm tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa cuộc sống của họ...


Đa số giáo dân thời nay đều biết và hiểu rất rõ toà giảng là nơi công bố và giảng dạy Lời Chúa, là nơi mà chính họ đã băn khoăn bức xúc khi mà không được đến nghe Lời Chúa trong các ngày chủ nhật hoặc là các ngày lễ trọng khác, là nơi mà họ lấy làm tiếc rẽ khi đi lễ trể vì bận công việc nên không được nghe linh mục giảng...


Thế mà có một số linh mục đã lợi dụng toà giảng để nói lời “của mình” cho giáo giáo dân chứ không nói Lời Chúa cho họ nghe, các ngài đem những nổi bực tức của mình trút lên đầu giáo dân nơi toà giảng, các ngài “giận cá chém thớt” trên toà giảng, lời của các ngài không còn là Lời Chúa nữa bởi vì làm cho giáo dân bực mình, lời của các ngài cũng không còn là lời giáo huấn nữa nhưng là lời dạy đời thiên hạ, mà thiên hạ đó chính là những giáo dân của mình có người chín mươi tuổi, có người bảy mươi tuổi, có người tuổi đáng cha ông của mình với kinh nghiệm đầy mình, họ nghĩ gì khi nghe những lời dạy đời thiên hạ của một linh mục đáng con cháu của mình, họ sẽ nghĩ rằng : chúng tôi đến đây là để nghe Lời Chúa qua miệng các linh mục là những người thay mặt Chúa, chứ không phải đến đây để nghe dạy đời qua miệng một người chưa từng lăn lộn với đời như chúng tôi...


Ngôn nơi toà giảng là ngôn (lời nói) đã được uốn lưỡi bảy mươi bảy lần bảy, là ngôn đã được suy tư, đã được cầu nguyện và thánh hoá bởi chức thánh nơi bản thân các linh mục, do đó mà ngôn của các ngài cần phải chừng mực không la lối tại sao các ông các bà không đi lễ, không kể lể là tại sao quý vị không xin lễ cầu hồn cho ông bà cha mẹ, và cũng không khen người này đã dâng cúng cho nhà thờ và cha sở tiền bạc vật chất, người kia thì quanh năm không thấy đi xin lễ và không đóng góp cho nhà thờ.v.v... Tất cả những ngôn từ ấy không phải để nói nơi toà giảng trong thánh lễ -ngày thường hay chủ nhật- bởi vì những ngôn từ ấy không phải của Thánh Thần và cũng không được uốn lưỡi bảy mươi bảy lần bảy trước khi nói, cho nên nó dễ làm cho giáo dân ngao ngán mà bỏ nhà thờ đi lang thang kiếm nhà thờ khác để tâm hồn bình an hơn...


Nếu vậy thì, ngôn của các ngài -nơi toà giảng- đã trở thành những ngọn roi tra tấn tâm hồn những người yếu đức tin, làm rát tâm hồn những người ngoan đạo và làm chảy máu tâm hồn của những người hết lòng yêu mến Giáo Hội Chúa Kitô.


Ngôn trong đời thường


Cuộc sống đời thường của mỗi người thì cứ theo thứ tự như sau : ngủ, ăn, làm việc, nghỉ ngơi giải trí, trong bốn việc cần thiết này chỉ có ngủ là không nói mà thôi, ngoài ra thì đều có nhu cầu khơi thông tức là lời nói.


Ăn cũng phải nói,

Làm việc cần phải nói,

Nghỉ ngơi giải trí cũng phải nói.


Các linh mục cũng không ra ngoài cái lệ này, nhưng -xét cho cùng- cuộc sống đời thường của linh mục thì khác rất xa người khác về nội dung, bởi vì linh mục đã được chọn để sống đời tận hiến cách đặc biệt giữa nhân loại như Chúa Giêsu đã sống giữa dân Do Thái nơi làng Nagiarét vậy, do đó mà các linh mục cần phải cẩn trọng lời nói của mình dù khi ăn, khi làm việc hay khi nghỉ ngơi giải trí, bởi vì chính lời nói của mình sẽ phán xét mình trong ngày Chúa quang lâm.

 

1. Ngôn khi ăn uống


Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu nói của một vị linh mục đáng kính đã nói với chúng tôi : “Mỗi lần cha làm tiệc đãi các linh mục (bổn mạng, sinh nhật) thì không bao giờ cha mời giáo dân cùng dự, ngay cả ban chấp hành của giáo xứ, bởi vì các ngài (linh mục) khi ăn thì uống bia rượu nhiều hơn giáo dân và ăn nói thì ồn ào rất tự do dễ gây gương mù gương xấu cho giáo dân”.


Khi ăn uống có rượu vào thì lời ra, đó là một “quy luật” tự nhiên, nhưng đó là quy luật của người đời bởi vì họ thường cho rằng chỉ có rượu mới giúp họ giải sầu, còn đối với các linh mục nói chuyện khi ăn uống là cả một mẫu mực cho mọi người, có những linh mục khi ăn uống thì nói văng cả thức ăn ra, có linh mục khi ăn uống thì đem chuyện giáo dân này giáo dân nọ ra mà nói giữa đám tiệc, và tệ hơn có một vài linh mục khi ăn uống thì nói liên tu bất tận về mình...


Giáo dân đứng hầu bàn khi linh mục ăn uống là thái độ kính trọng của họ đối với các ngài là đại diện Chúa Kitô, họ trân trọng mời linh mục lên bàn trên rất danh dự vì chức vụ của các ngài quả là đặc biệt hơn các chức vụ khác của người thế gian, và quan trọng hơn các ngài là người cha dẫn dắt linh hồn của họ. Nhưng có những lúc -chúng ta- những linh mục của Chúa Kitô đã phụ lòng kính trọng của giáo dân dành cho mình, chúng ta coi giáo dân là hạng thứ nên trong bữa tiệc cùng ăn uống với họ, ngôn từ của chúng ta toàn là “dao to búa lớn” lên mặt kẻ cả với họ, kêu người này bằng thằng, xưng người kia là tớ tớ cậu cậu (vai thấp) và có khi cả mày mày tao tao rất ư là không hợp với lời nói và lối xưng hô của một linh mục. Thân mật và thân tình trong cách gọi như thế giữa đám đông là không đúng, bởi vì có nhiều người ngoại giáo sẽ lấy làm ngạc nhiên khi chúng ta vô phép và bất lịch sự với người lớn tuổi hơn mình...

2. Ngôn trong làm việc.



Việc làm của linh mục đôi khi quá bề bộn và đôi khi cũng thật nhàn hạ, nhưng có việc làm để bận rộn thì có lợi cho đời sống tu trì hơn là rãnh rỗi nhàn hạ.


Vì bận rộn với công việc của giáo xứ mà đôi khi linh mục cũng có những lời nói không hay khi tiếp xúc với giáo dân. Có những linh mục khi mệt nhọc mà nghe giáo dân hỏi chuyện thì càng bực thêm và có những lời nói gắt gỏng, có những linh mục mà giáo dân không dám đến gần để hỏi chuyện hoặc là chuyện trò thân tình như con cái trong gia đình, bởi vì ngài hay nạt nộ và có khi chê người giáo dân là không biết gì, thế là họ không muốn đến chuyện trò bàn hỏi với linh mục của mình nữa.


Chúa Giêsu bận rộn rất nhiều với công việc giảng dạy và chữa trị đủ các thứ bệnh hoạn cho dân chúng, nhưng chưa bao giờ thấy Ngài gắt gỏng với ai hoặc nói nặng lời với họ, ngoại trừ đối với những người biệt phái kiêu căng coi mình là thầy dạy thiên hạ.


Có những giáo dân thích nghe cha giảng trong nhà thờ chứ không thích hỏi chuyện với ngài (!) vì ngài quá hách trong khi làm việc mục vụ, lời nói của ngài phán ra thì bắt buộc mọi người phải nghe răm rắp dù lời nói ấy không phù hợp với hoàn cảnh của họ và cũng không phù hợp với môi trường sống đạo của họ, có những linh mục độc quyền ra lệnh chứ không muốn bàn hỏi với giáo dân, có những linh mục lớn tiếng khi có giáo dân góp ý cho công việc của mình, có những linh mục thì đỏ mặt tía tai cãi nhau với

giáo dân về vấn đề xã hội mà quên mất rằng mình là linh mục của Chúa Kitô chứ không phải là cán bộ nhà nước.


Công việc mục vụ của linh mục không như công việc hành chánh của nhà nước, công việc mục vụ của ngài đòi hỏi trước hết là thinh lặng lắng nghe tiếng Chúa dạy qua hoàn cảnh của giáo xứ và qua cuộc sống của mình, kinh nghiệm cho biết linh mục nào cầu nguyện nhiều hơn thì khi tiếp xúc với giáo dân đều có những lời nói rất tế nhị mà sâu sắc, hoà nhã và thân ái, bởi vì chính các ngài đã hiểu được mình là ai khi cầu nguyện với Chúa và giáo dân là ai khi tiếp xúc với mình : ngài là linh mục của Chúa Kitô và giáo dân là những người đã được Chúa trao cho các ngài dạy dỗ đường nên trọn lành.

Linh mục Chúa Kitô luôn hoà nhã với hết mọi người, lời nói của các ngài luôn phản ảnh tâm hồn vị tha và khiêm tốn, đôi lúc có một chút hài hước đáng yêu để mọi người nhận ra cha sở của mình không phải là một ông quan bệ vệ làm bộ làm tịch với dáng điệu và lời nói của “người bề trên”...

3. Ngôn khi nghỉ ngơi giải trí


Ở ngoại quốc hình như mỗi tuần đều có ngày nghỉ ngơi của cha sở, có giáo phận thì nghỉ ngày thứ hai, có giáo phận thì nghỉ ngày khác trong tuần, và một năm thì được nghỉ một tháng, đó là những nghỉ ngơi có ích cho các linh mục bận rộn với công tác mục vụ trong tuần hoặc trong năm. Tuy nhiên hội dòng của chúng tôi thì không có ngày nghỉ vì đấng tổ phụ của hội dòng -cha Vincent Lebbe- đã dạy : thay đổi công việc là nghỉ ngơi.


Có linh mục lợi dụng ngày nghỉ ngơi của mình để đi leo núi, có linh mục thì tắm biển, có linh mục thì đi thăm bạn bè, và có linh mục thì đọc sách báo viết lách trong ngày nghỉ, tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho.


Ngôn trong giải trí của linh mục của Chúa Kitô cũng đáng được mọi người để ý, bởi vì có một vài linh mục khi cùng nhau chơi cờ đominô giải trí cũng có những lời lẽ “vượt quá” tầm mức chức vụ của mình, tức là các ngài vì quá hưng phấn trong giải trí nên thốt ra những lời không mấy hay ho chẳng khác chi người đời; cũng có một vài linh mục cùng nhau giải trí đã to tiếng cãi nhau đến mặt đỏ gân xanh nổi lên trên khuôn mặt vốn hiền hoà khả ái của mình, khiến cho giáo dân cười “tủm tỉm” các cha của mình mà cũng như thế...


Nghỉ ngơi giải trí không có nghĩa là buông lỏng con người của mình, giải trí cũng không có nghĩa là thích gì làm nấy mà quên mất mình là Linh mục của Chúa Kitô, nhưng giải trí có nghĩa là thư giản tâm hồn và thân xác sau một tuần, một năm mệt nhọc vì công cuộc mục vụ truyền giáo của mình và lợi dụng kỳ nghỉ để bồi dưỡng thêm tu đức của mình trong những lúc cầu nguyện và giải trí.


Nghỉ ngơi giải trí không có nghĩa là mình hết làm linh mục để rồi ngôn hành như những người ngoài đời, nhưng trong cách nghỉ ngơi giải trí cũng luôn làm nổi bật nét hiền hoà thánh thiện của một linh mục, có một vài linh mục nghỉ ngơi giải trí bằng cách coi phim, coi truyền hình đến nổi gắt gỏng khi có người gọi điện thoại hỏi thăm cha sở, lại có linh mục bực tức vì phải tiếp khách trong ngày nghỉ hàng tuần của mình...


Một người vợ hiền là một người mẹ biết chăm lo cho chồng con và dọn dẹp nhà cửa khi được nghỉ trong tuần, nàng hết sức lợi dụng những ngày nghỉ để chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ trong gia đình, do đó mà nết na đức hạnh của nàng bay xa và chồng nàng và con cái của nàng rất hãnh diện về nàng.

Cũng vậy, linh mục là hiền thê của Chúa Kitô và của Giáo Hội, ngài cũng là mẹ của các giáo hữu trong giáo xứ của ngài, cho nên dù là đang kỳ nghỉ hay giờ giải trí, dù là xuất ngoại, leo núi hay tắm biển thì tâm hồn của ngài cũng luôn hướng về đoàn con của mình nơi giáo xứ, và lời của ngài lúc này chính là những lời cầu nguyện thiêng liêng và thánh thiện nhất cho con cái của mình, và như thế cuộc nghỉ ngơi giải trí của ngài thật giá trị và trở nên mẫu gương sáng cho mọi người.


Ngôn trong đời sống tu đức


Đời sống tu đức của các linh mục thì chắc chắn là trổi vượt hơn giáo dân, bởi vì các ngài là thầy dạy đàng nhân đức cho mọi người, do đó mà đời sống của các ngài luôn trở thành mô phạm phản ảnh trung thực sống đời sống của Chúa Giêsu ngay trước mặt giáo dân tại trần gian này, cho nên thiết nghĩ ngôn (lời nói) trong đời sống tu đức của các linh mục khác xa ngôn trong cuộc sống bon chen của giáo dân. Ngôn trong đời sống tu đức chính là...không nói gì cả, nhưng lắng nghe và làm cho đúng điều mà mình đã lắng nghe trong khi cầu nguyện, đó là ngôn phát xuất từ tâm linh đã được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần nơi các linh mục hiền thê của Chúa Kitô.


1. Ngôn trong thinh lặng.


Linh mục có cái uy của linh mục, cái uy này không phải làm bộ làm tịch mà có, cũng không phải tập tành điệu dáng đi đứng cho nó uy nghi bệ vệ như những vị tướng tá hay những ông quan hống hách, nhưng cái uy của linh mục hệ tại nơi tâm hồn của các ngài.


Có linh mục rất dễ thương đơn sơ với hết mọi người, vậy mà không ai dám hó hé với ngài cái gì cả, bởi vì nơi ngài toát ra vẻ uy nghiêm thánh thiện của linh mục; có linh mục rất ít nói nhưng khi nói thì ai cũng thích nghe và có thái độ kính trọng bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn, bởi vì nơi ngài phát ra một hấp lực khiến cho người đối diện kính nể. Tại sao vậy ? Thưa vì các ngài dùng tâm hồn để nói.

Dùng tâm hồn để nói tức là im lặng, bởi vì trong thinh lặng người ta dễ dàng nghe được cả những âm thanh nhỏ nhất, cũng vậy linh mục Chúa Kitô khi thinh lặng suy tư cầu nguyện thì sẽ thấy và nghe được rất nhiều điều trong giáo xứ và trong mỗi tâm hồn của con chiên bổn đạo của mình, mà đã nghe và thấy thì chắc chắn lời nói có giá trị và hiệu quả hơn nhiều. Đa số giáo dân thích và yêu mến một linh mục nói ít làm nhiều hơn là nói nhiều làm ít, bởi vì nói nhiều không phải là “cá tính’ của thiên chức linh mục nhưng là cá tính của cá nhân người linh mục, cho nên để xứng đáng hơn với thiên chức linh mục cao quý của mình thì người linh mục càng phải luyện tập cá tính của mình cho phù hợp với chức vụ thánh mà mình đã lãnh nhận, đặc biệt là tính nói nhiều, bởi vì nói nhiều là bày tỏ một tâm hồn khoe khoang và rỗng tuếch. Kinh nghiệm cho thấy người nói nhiều là người ít làm việc và làm không tốt, một linh mục nói nhiều là một linh mục ít cầu nguyện và dù việc làm của ngài có thành công dưới mắt người đời chăng nữa, nhưng sẽ không bền lâu vì không có nền tảng khiêm tốn và cầu nguyện.


2. Ngôn trong khi giảng dạy.

 

Giảng dạy đây không những ở trên toà giảng trong thánh lễ mà ngay cả trong cuộc sống đời thường : khi dạy giáo lý, dạy học chữ ở nhà trường, dạy các lớp khác có liên quan đến đời sống tôn giáo của giáo dân...

Có một vài linh mục khi giảng dạy thì tự khoe khoang mình quá đáng nên có những lời không được thực tế và không khiêm tốn, có một vài linh mục khi dạy giáo lý hôn nhân cho người sắp làm đám cưới thì không một chút tế nhị với đôi bạn trẻ với những câu hỏi khiến họ đỏ mặt tía tai; lại có những linh mục khi dạy giáo lý cho trẻ em thì dùng những lời lẽ như đe doạ và thái độ như ông kẹ làm cho các em có ấn tượng không mấy thiện cảm về cha sở của mình...


Ngôn trong giảng dạy là ngôn từ giáo dục chứ không phải ngôn từ tranh luận, là ngôn từ của con tim hiền hoà chứ không phải là của tra tấn và kiêu căng, cho nên người linh mục của Chúa Kitô như người mẹ hiền dạy dỗ con cái mình nên người, nàng không cáu gắt khi dạy con, nàng cũng chẳng la lối thoá mạ, nhưng với tất cả tình mẫu tử nàng yêu thương và có khi rơi nước mắt khi dạy dỗ con cái mình.

Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu này được tỏ hiện qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Đấng là tình yêu và vì yêu mà chết để tình yêu được thăng hoa và viên mãn, chính Ngài muốn tình yêu này được liên tục thực hiện giữa trần thế cho đến ngày thế mạt, nên đã chọn các linh mục làm những hiền mẫu thay mặt Ngài đem tình yêu đến cho nhân loại, do đó mà các linh mục khi thi hành bổn phận bảo ban dạy dỗ giáo hữu của mình thì cũng như một bà mẹ hiền với giọng nói hiền hoà và con tim yêu thương trong một tâm hồn khiêm tốn, đó chính là linh mục của Chúa Kitô và người mục tử nhân hiền của giáo dân vậy.


Ngôn (lời nói) của linh mục thì rất có ảnh hưởng trên giáo dân, dù cho ngài là cha sở hay cha phó, hay đang về hưu, dù cho các ngài ở đâu và bất cứ lúc nào cũng đều được giáo dân vâng lời và nể vì, bởi vì với đức tin mà họ đã lãnh nhận, với giáo huấn mà họ đã học được trong Giáo Hội Công Giáo, với đức vâng lời như Chúa Giêsu, họ (giáo dân) luôn luôn coi các ngài như những người thay mặt Thiên Chúa dạy dỗ họ, ban các bí tích ân sủng của Chúa cho họ, cho nên họ luôn yêu mến và kính trọng các linh mục của mình, đó chính là một mẫu gương nhân đức mà chúng ta -linh mục- cần phải noi theo, tại sao ? Thưa, bởi vì có một quan niệm “khó hiểu” nơi một số các linh mục trẻ rằng : mình là linh mục thì cũng giống như các linh mục khác, cho nên tự cho mình ngang hàng với các linh mục đàn anh lớn tuổi, không có ý nể vì các vị đàn anh đáng bậc cha ông ấy của mình, thế là các linh mục trẻ ăn nói ít lễ phép, tự do phê bình các vị lớn tuổi và -có lúc- còn cho mình học cao học giỏi hơn các vị ấy, thậm chí còn phát ngôn rằng : thần học các vị ấy học là xưa rồi không hợp thời và cổ hủ...



Ngôn là đức thứ ba trong “công, dung, ngôn, hạnh” của người con gái có nề nếp gia phong, và cũng là của các linh mục -những hiền thê của Chúa Kitô và của Giáo Hội- có thể nói “công, dung” là tiêu biểu cho cái vẻ bên ngoài, và “ngôn, hạnh” là tiêu biểu cho cái nội tâm bên trong, cho nên người ta có thể nghe lời nói của một linh mục -hoặc của ai đó- thì biết rằng “công lực” tu đức của ngài tu luyện đã đến mức nào rồi vậy.



----------------------------------
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 ( Còn tiếp nhiều kỳ )